Theo thông tin từ Reuters, ngày 15/11, bộ ngoại giao Ba Lan cho biết một tên lửa do Nga sản xuất đã rơi vào ngôi làng Przewodow của Ba Lan, giáp khu vực Ukraine vào 15 giờ 40 phút cùng ngày.
Thêm vào đó, bộ ngoại giao Ba Lan còn cho biết đã triệu tập đại sứ Nga để làm rõ vụ việc này. Thông báo trên được bộ ngoại giao Ba Lan công bố sau thông tin các đồng minh NATO đang triệu tập điều tra một tên lửa bay lạc vào Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng là do Nga sản xuất.
Cũng theo Reuters, tổng thống Biden ngỏ lời với người đồng cấp Andrzej Duda Ba Lan rằng Mỹ sẽ hỗ trợ điều tra về vụ nổ nói trên.
Ngoài ra, sau khi xảy ra vụ việc, thủ tướng Anh Rishi Sunak đã viết trên trang Twitter với nội dung rằng Anh đang xem xét các báo cáo về vụ nổ tên lửa ở Ba Lan đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ người đồng minh Ba Lan khi họ xác định được điều gì đã xảy ra.
Rishi Sunak cũng cho biết ông đã nói chuyện với tổng thống Ba Lan Duda về vụ nổ đồng thời nhắc lại “tình đoàn kết của Vương quốc Anh với Ba Lan”.

Về phía Nga, trả lời trên Reuters, người phát ngôn Dmitry Sergeyevich Peskov nói rằng ông không biết về vụ nổ ở Ba Lan: “Thật không may, tôi không có thông tin về vụ này”.
Trong khi người phát ngôn nói không biết vụ việc thì bộ quốc phòng Nga cũng bác bỏ thông tin Nga bắn tên lửa vào lãnh thổ ở Ba Lan. Bên cạnh đó, bộ quốc phòng Nga chỉ trích tuyên bố từ giới chức và truyền thông Ba Lan về việc “tên lửa Nga” có hành vi cố tình khiêu khích nhằm leo thang tình hình, theo đài RT.
Vào ngày 16/11, Tổng thống Ba Lan, ông Andrzej Duda cho hay hiện tại ông chưa có bằng chứng cụ thể về việc ai là người bắn tên lửa vào làng Przewodow giáp biên giới Ukraine khiến 2 người tử vong.
Trả lời với phóng viên, ông Duda cho biết: “Chúng tôi không có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào vào lúc này về việc ai đã phóng tên lửa này… rất có thể đó là tên lửa do Nga sản xuất, nhưng tất cả điều này vẫn đang được điều tra”.
Tuy nhiên, ông Duda đã xác định được vụ nổ xảy ra là hành động đơn lẻ và không có bằng chứng nào cho biết có thêm các tên lửa khác. Tổng thống Ba Lan cũng đang cân nhắc kích hoạt Điều 4 trong Hiệp ước NATO.
Theo CNN, nội dung của điều 4 Hiệp ước NATO là các nước thành viên có thể tham vấn cùng nhau bất cứ khi nào một trong các thành viên ấy cảm thấy lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh quốc gia bị đe dọa.
Sau cuộc điện đàm với tổng thống Ba Lan, thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh điều quan trọng là các chứng cứ đều được xác thực. Bên cạnh đó, ông Stoltenberg cũng sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp với toàn bộ đại sứ NATO vào ngày 16/11 tại Brussels (Bỉ) để bàn bạc về vụ nổ ở Ba Lan.
Về Ukraine, theo AFP, sau thông tin vụ nổ ở Ba Lan, ngoại trưởng Dmytro Kuleba cáo buộc rằng một trong những tên lửa do Nga sản xuất bay lạc vào lãnh thổ ở Ba Lan là một “thuyết âm mưu”.
Trước đó, người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng miền Đông Ukraine do Nga bổ nhiệm, ông Denis Pushilin lại đưa báo cáo về vụ việc rằng một tên lửa của Nga rơi xuống lãnh thổ ở Ba Lan là “hành động khiêu khích” do Kyiv (thủ đô và là thành phố lớn nhất nước Ukraine) dàn dựng.
>>>Có thể bạn quan tâm: Tình báo Mỹ tiết lộ Nga mua hàng loạt tên lửa, đạn pháo của Triều Tiên