Bà Hoàng Bích Diệp – Công ty VINEXAD (Việt Nam) – đơn vị cùng với Liên đoàn Dệt May Đài Loan (TTF) phối hợp với tổ chức cho biết đây là một trong những hoạt động lớn nhất của ngành Dệt May trong năm 2022. Sự kiện thu hút 13 doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu dệt may Đài Loan và gần 60 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và nhãn hiệu may mặc lớn Việt Nam tham gia. Việc tổ chức song song kết nối trực tuyến và offline đã giúp các doanh nghiệp 2 bên trao đổi song phương để kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả hơn.
Ông Ryan Lee phụ trách mảng Sales của Công ty TNHH Hong Qiao Garment Accessories chia sẻ: “Năm ngoái chúng tôi cũng đã tham gia sự kiện như thế này rồi. Kết quả rất tốt nên chúng tôi kỳ vọng năm nay tiếp tục tìm được đối tác tốt, chất lượng, tiềm năng”. Hong Qiao Garment Accessories là một công ty chuyên lĩnh vực tem, mác công nghiệp của Đài Loan đã có 16 năm sản xuất kinh doanh tại Bình Dương. Đại diện công ty đánh giá cao môi trường kinh doanh ở Việt Nam, đặc biệt là hành lang pháp lý và nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tạo điều kiện rất thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Chị Nguyễn Thị Thảo – Công ty CP Thương mại Nam Anh cho biết các công ty ở Việt Nam cũng được hưởng lợi từ hoạt động kết nối giao thương 2022: “Khi tham gia hoạt động này, Công ty có cơ hội hợp tác với nhiều đối tác ở nước ngoài để đa dạng về mặt hàng hóa, sản phẩm, có thêm thị phần trong nước và xuất khẩu”.
Ban tổ chức cho biết Triển lãm & hội nghị giao thương xúc tiến ngành Dệt May Việt Nam – Đài Loan năm 2022 đã có khoảng 180 cuộc giao thương kết nối 1:1 theo hình thức B2B – doanh nghiệp với doanh nghiệp, tỷ lệ kết nối thành công ước đạt khoảng 25%. Nhu cầu và tiềm năng hợp tác giữa 2 bên sẽ được tổng hợp lại sau hoạt động này. Tuy nhiên, đánh gia sơ bộ cho thấy nhu cầu của doanh nghiệp cả hai phía là rất lớn, nhiều dư địa và rất triển vọng. Trong khi doanh nghiệp Việt tìm kiếm các nhà cung cấp có khả năng đáp ứng mẫu mã mới, tiêu chuẩn mới về chất lượng vải trong mảng may mặc nội địa và xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, các DN Đài Loan có thế mạnh dẫn đầu cải tiến kỹ thuật thuộc hàng tiên tiến trên thế giới, với các nghiên cứu và phát triển (R&D) được đầu tư và áp dụng cho ra kết quả về mẫu mã, khổ vải và chất liệu vượt trội, đi đầu trong xu hướng vải theo tính năng sử dụng. Năm nay, triển lãm cũng giới thiệu nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ mới. Ví dụ như sợi vải được làm từ nhiều thành phần đặc biệt như sorona,chè xanh, sợi tái sinh từ chai nhựa, sợi bạc hà, sợi sen, sợi oải hương.
Được biết, Việt Nam là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Đài Loan. Trong 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng dệt may (chủ yếu là vải) từ Đài Loan sang Việt Nam là 1,48 tỷ đô la Mỹ tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, hàng may mặc sẵn tại Đài Loan được nhập khẩu phần lớn từ Việt Nam. Ngành công nghiệp dệt may của Đài Loan có một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Việt Nam là trung tâm sản xuất hàng dệt may quan trọng trên toàn cầu. Chính vì vậy hoạt động kết nối giao thương 2022 ngành dệt may sẽ là cơ hội để 2 bên bổ sung lợi thế cho nhau cùng phát triển.
Nguồn: https://nongthonviet.com.vn/co-hoi-hop-tac-moi-cho-nganh-det-may-viet-nam–dai-loan.ngn