Trang chủ Giáo dục & Đời sống Làm hài lòng tất cả mọi người, bạn có mệt không?

Làm hài lòng tất cả mọi người, bạn có mệt không?

bởi Uyên Uyên
0 bình luận

Có những người luôn muốn làm hài lòng người khác, lâu dần sẽ hình thành thói quen làm hài lòng tất cả mọi người. Dù có cố gắng đến đâu, việc muốn ai cũng thích mình là điều không thể. Bài viết dưới đây sẽ giải thích lí do vì sao chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người.

Chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người.
Chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người.

Luôn cố gắng để người khác thích mình là điều vô cùng mệt mỏi. Xã hội tồn tại hai mặt xấu và tốt, nếu có người thích bạn thì cũng sẽ có người không ưa bạn.

Thế nào là làm hài lòng tất cả mọi người?

Làm hài lòng tất cả mọi người là việc bạn luôn đặt nhu cầu của người khác lên trên bản thân. Xu hướng này xảy ra khi bạn có thói quen quan tâm quá mức đến suy nghĩ, đánh giá của người khác và mong muốn được mọi người chấp nhận, yêu thích để duy trì các mối quan hệ xã hội.

Hành vi muốn làm hài lòng tất cả mọi người có thể xuất phát từ các vấn đề sức khỏe tâm thần như:

  1. Rối loạn lo âu, trầm cảm
  2. Rối loạn nhân cách kiểu ranh giới (BPD)
  3. Rối loạn nhân cách phụ thuộc
  4. Rối loạn nhân cách tránh né
Những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần thường muốn làm hài lòng mọi người.
Những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần thường có hành vi làm hài lòng mọi người.

Dấu hiệu nhận biết bạn luôn muốn làm hài lòng tất cả mọi người

Những người có thói quen làm hài lòng người khác thường có những dấu hiệu sau:

  1. Cảm thấy ngại và có lỗi khi nói “không” hoặc từ chối một việc gì đó.
  2. Tỏ ra đồng tình với ý kiến người khác mặc dù bản thân không hoàn toàn thấy thế.
  3. Cố làm những điều mình không muốn chỉ để người khác vui.
  4. Luôn nói câu xin lỗi và nhận lỗi kể cả vấn đề đó không phải lỗi của mình.
  5. Cảm thấy tự ti, muốn được mọi người công nhận.
  6. Bận tâm đến suy nghĩ của người khác về mình. Ví dụ: Khi từ chối một việc gì đó, bạn sợ rằng người khác sẽ nghĩ không tốt về bạn.
  7. Muốn mọi người đều thích mình để được tán dương, khen ngợi
  8. Bỏ qua nhu cầu của bản thân và dành thời gian đáp ứng nhu cầu của người khác để làm hài lòng họ.

Vì sao bạn luôn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người?

Có một số nguyên nhân khiến bạn phát sinh hành vi cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người:

Không đánh giá cao ham muốn và nhu cầu của bản thân

Bạn cảm thấy tự ti và luôn muốn được người khác ngợi khen, công nhận. Bạn nghĩ rằng mình có nhiều khuyết điểm nên chẳng có ai chú ý, yêu thích mình. Thế rồi bạn bắt đầu có xu hướng tìm kiếm sự tán dương, công nhận từ người khác để cảm thấy bản thân có ích. Bạn muốn được đánh giá cao về mọi mặt và lâu dần quên mất bản thân.

Cảm giác không an toàn

Một số người bị rối loạn lo âu thường xuyên không có cảm giác an toàn. Những người như thế thường sống trong sợ hãi, lo lắng, luôn quan tâm việc người ta sẽ nghĩ gì về mình. Họ cảm thấy khó chịu nếu như có người không thích họ.

Những người có cảm giác không an toàn thường muốn làm hài lòng người khác để được khen ngợi, tán dương.
Những người có cảm giác không an toàn thường muốn làm hài lòng người khác để được khen ngợi, tán dương.

Theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo

Người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo hay còn gọi là người cầu toàn thường luôn muốn làm hài lòng tất cả mọi người. Bởi vì kiểu người này luôn muốn mọi thứ phải hoàn hảo từ gia đình, bạn bè cho đến tình yêu, công việc…

Ảnh hưởng tâm lý từ trải nghiệm quá khứ

Những người có quá khứ khó khăn, từng bị lạm dụng, tổn thương, đau đớn… thường cảm thấy âu lo, không được an toàn trong cuộc sống. Họ luôn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người để tìm kiếm cảm giác yêu thương, ủng hộ. Những sự kiện tiêu cực từ quá khứ khiến họ luôn muốn có người bên cạnh quan tâm, chăm sóc. Để đạt được điều đó, họ thường đáp ứng mọi nhu cầu của đối phương với mục đích đổi lấy cảm giác an toàn cho chính mình.

Thói quen làm hài lòng người khác có thể vì ảnh hưởng tâm lý từ trải nghiệm trong quá khứ
Thói quen làm hài lòng người khác có thể vì ảnh hưởng tâm lý từ trải nghiệm trong quá khứ.

Lòng yêu thương, vị tha

Xu hướng cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người có thể xuất phát từ lòng yêu thương, sự vị tha của bản thân. Bạn không muốn ai gặp khó khăn và luôn nhận lời giúp đỡ khi họ cần.

>>>Xem thêm: Thế nào là người trưởng thành? 6 dấu hiệu nhận biết bạn “đã lớn”

Vì sao không nên cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người?

Có những người luôn dành thời gian lo lắng, quan tâm cho người khác, kể cả người không thích họ. Điều đó có thể đem lại lợi ích ngắn hạn như nhận được sự quý mến và vài lợi ích trước mắt. Tuy nhiên, lâu dần bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức vì quan tâm đến người khác quá mức. Bạn sẽ không bao giờ thực sự hạnh phúc nếu như bạn không sống thật với chính mình.

Một số lí do chứng minh bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người:

Cuộc sống luôn có người không thích bạn

Mỗi người là cá thể khác nhau. Có người dễ chịu nhưng cũng có người luôn thấy khó chịu với mọi thứ. Trong cuộc sống bạn sẽ vô tình gặp những người như thế. Người đó có thể là đồng nghiệp, cấp trên hoặc mối quan hệ xã hội khác. Trong quá trình tiếp xúc, bạn không may lọt vào danh sách những người họ không ưa. Có vô vàn lí do khiến họ không ưa bạn và bạn không cần bận tâm đến điều đó. Bạn không thể nào nuông chiều ý thích của họ cũng như thay đổi bản thân để nhận lấy sự yêu mến.

Khi bạn thay đổi bản thân, cũng sẽ có người thấy tính cách, ngoại hình đó không hợp mắt họ. Và rồi cũng sẽ có người dù bạn làm gì đi nữa họ vẫn thấy chướng mắt. Vì thế, bạn chỉ cần sống đúng với bản thân, đảm bảo các giá trị đạo đức và không làm gì trái với luân thường đạo lý là được. Mỗi người một cuộc sống khác nhau, thay vì quan tâm người khác nghĩ gì, bạn hãy tập trung nâng cấp cuộc sống của chính mình.

Hãy nhớ rằng, dù có làm gì vẫn luôn có người không thích bạn.
Hãy nhớ rằng, dù có làm gì vẫn luôn có người không thích bạn.

Nên nhớ giá trị của bạn không nằm ở sự hài lòng từ người khác

Việc cố gắng đáp ứng nhu cầu, sự mong đợi từ người khác mặc dù họ không có ý giúp đỡ, định hướng cho những sai lầm của bạn chỉ khiến bản thân bạn ngày càng căng thẳng, kiệt quệ. Bạn sẽ nhận ra hành động đó không hề đem lại lợi ích cho bạn ngoài sự tổn thương, thất vọng.

Khi bạn tự tin, bạn sẽ cảm thấy không nên cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người. Bởi vì khi đó bạn biết giá trị của mình không nằm ở những lời đánh giá, ý kiến từ người khác mà nó được trau dồi bởi những trải nghiệm và quá trình tích lũy kinh nghiệm của bản thân. Để phát triển được các giá trị tốt đẹp, bạn cần dành thời gian lắng nghe và thấu hiểu chính mình để yêu thương bản thân đúng cách.

Mỗi người có quan điểm khác nhau

Vì sao bạn phải kết hôn chỉ vì bạn bè đã lập gia đình gần hết? Tại sao bạn phải tìm và quen bạn trai theo đúng tiêu chuẩn của gia đình, họ hàng? Vì sao bạn có tính cách hướng nội nhưng lại chọn những ngành hướng ngoại để đáp ứng mong muốn từ người thân?…

Chúng ta đều được rèn giũa bởi những trải nghiệm khác nhau, vì thế suy nghĩ, quan điểm của ta và mọi người không thể giống nhau hoàn toàn. Khái niệm “đúng” và “sai” đôi khi chỉ mang tính chủ quan. Khi phải làm điều mình không thích, hãy mạnh dạn nói ra quan điểm, chính kiến của mình.

Chỉ có bạn chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Vì thế, đừng bao giờ để cuộc sống mình bị ảnh hưởng từ người khác. Hãy tập hiểu bản thân để đưa ra những lựa chọn, quyết định cho cuộc đời của riêng bạn.

Mỗi người đều có quan điểm khác nhau, đừng cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người.
Mỗi người đều có quan điểm khác nhau, đừng cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người.

Nên nhớ hạnh phúc của bản thân là trên hết

Chúng ta không thể yêu người khác đúng cách nếu như chúng ta chưa biết yêu bản thân mình. Dù cố gắng đến đâu, bạn cũng không có “siêu năng lực” làm hài lòng tất cả mọi người. Người thân, bạn bè hay đồng nghiệp của bạn đều có nhiệm vụ tự tìm kiếm niềm vui và bạn chỉ đóng vai trò xúc tác cho cảm xúc của họ được bùng nổ.

Dù là mối quan hệ nào đi nữa, đừng can thiệp quá sâu vào cuộc sống cá nhân của người khác vì bạn không bao giờ hiểu họ bằng chính họ. Việc chạy theo để làm người khác vui sẽ khiến bạn quên hạnh phúc của mình, đôi khi khiến bản thân tổn thương. Về lâu dài, việc làm hài lòng tất cả mọi người lại khiến chính bản thân bạn bị mất lòng.

Những cách giúp bỏ thói quen làm hài lòng tất cả mọi người

Bất kể vấn đề gì đều có cách giải quyết. Sau đây chúng tôi chia sẻ với bạn vài cách giúp bỏ thói quen làm hài lòng tất cả mọi người, biết cân bằng việc đáp ứng nhu cầu người khác nhưng không hy sinh hạnh phúc của bản thân:

Thiết lập ranh giới rõ ràng

Nếu có ai yêu cầu quá nhiều, hãy thẳng thắn nói rằng điều đó ngoài khả năng giúp đỡ của bạn. Bạn nói với họ những gì bạn có thể giúp và không thể giúp. Ví dụ như bạn chỉ có thể nghe điện thoại vào những khung giờ cố định, lập ra điều bản thân muốn và không muốn. Thiết lập ranh giới rõ ràng là một trong những cách giúp bỏ thói quen làm hài lòng tất cả mọi người.

Hãy thẳng thắn nói với họ những điều mình có thể và không thể giúp đỡ.
Hãy thẳng thắn nói với họ những điều mình có thể và không thể giúp đỡ.

Biết nói từ chối

Bạn hãy đặt mục tiêu của bản thân lên việc làm hài lòng mọi người. Chỉ giúp đỡ khi cảm thấy phù hợp và học cách nói “không” nếu như điều đó khiến bạn không vui cũng như ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của bạn. Hãy nhắc nhở bản thân nên có thời gian cho riêng mình. Bạn không thể nào dành hầu hết thời gian rảnh để đi làm hài lòng người khác.

Suy nghĩ trước khi nhận lời giúp đỡ

Cách giúp bỏ thói quen làm hài lòng người khác là suy nghĩ trước khi nhận lời giúp đỡ. Bạn nên dành thời gian xem xét, đặt ra câu hỏi cho bản thân trước khi quyết định nên giúp hay không.

Khi ai đó cần giúp đỡ, hãy nói với họ rằng bạn cần thời gian suy nghĩ. Sau đó, bạn tự hỏi bản thân các câu như: “Người ấy có thật sự cần giúp đỡ?”, “Mất bao nhiêu thời gian để làm việc này?”, “Bạn có muốn làm việc ấy hay không?”… để đưa ra quyết định đúng đắn.

Suy nghĩ, xem xét trước khi nhận lời hỗ trợ là một trong những cách giúp bỏ thói quen làm hài lòng tất cả mọi người.
Suy nghĩ, xem xét trước khi nhận lời hỗ trợ là một trong những cách giúp bỏ thói quen làm hài lòng tất cả mọi người.

Hiểu rằng từ chối không có nghĩa là “xấu”

Nếu luôn làm hài lòng tất cả mọi người mà không còn thời gian cho bản thân bạn sẽ gặp khó khăn trong việc theo đuổi hạnh phúc, mục tiêu của cuộc đời.

Hãy nhớ rằng, mối quan hệ lành mạnh là khi có sự cân bằng trong việc “cho” và “nhận”. Nếu chúng ta chỉ có cho đi và người kia luôn nhận lấy thì có nghĩa bạn đang từ bỏ mọi thứ vốn dĩ bạn cần cố gắng chỉ để làm hài lòng tất cả mọi người.

Hãy học cách từ chối nếu như vấn đề đó ảnh hưởng lớn đến mục tiêu, thời gian, sự hạnh phúc của bạn. Đó là cách giúp bỏ thói quen làm hài lòng tất cả mọi người vô cùng hiệu quả.

Kết luận

Tóm lại, bạn không cần cố gắng trở thành người mà ai cũng quý mến. Bạn chỉ cần tập trung vào những người chấp nhận con người thật của bạn. Khi làm hài lòng tất cả mọi người, có thể bạn sẽ nhận lại sự yêu mến, tán dương nhưng cái giá nhận lại không hề nhỏ. Hãy ưu tiên phát triển bản thân trước khi dành nhiều thời gian đáp ứng nhu cầu của người khác. Đừng để ai giữ quyền chi phối cảm xúc của bạn. Sống thật với chính mình bạn sẽ thấy hạnh phúc, bình an.

>>>Có thể bạn quan tâm: Cuộc sống độc thân liệu có cô đơn như chúng ta vẫn nghĩ?

Uyên Uyên

You may also like

Về BAOVIETNAM.COM

Báo Việt NamCầu nối tin tức và công nghệ. Với mục tiêu tạo ra nền tảng thông tin đáng tin cậy, chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn trong hành trình khám phá thế giới, từ tin tức hàng ngày đến những xu hướng công nghệ tương lai.

báo việt nam logo footer

@2023 – Quản lý bởi Báo Việt Nam – VPS/Server tài trợ bởi GOFIBER.VN