Vỏ mỏng tang, giòn rụm, màu đỏ bắt mắt khêu gợi trí tưởng tượng của người ăn. Những con cua rù rì sống trên bờ biển trở thành món ngon khó cưỡng, chỉ dành cho những ai có kinh nghiệm “truy bắt”.
Quê tôi ở vùng bãi ngang, bờ cát vàng thoai thoải. Mùa hè nắng chói chang, biển đông đúc người tắm. Riêng tôi và cậu nhóc em lâu lâu vẫn tách không khí ồn ã nơi bãi tắm, lặng lẽ theo mép sóng đi hàng trăm mét để săn cua rù rì.
Cua rù rì là loài giáp xác sống ngay mép biển. Chúng ăn phù du, ngoi lên hụp xuống theo đầu sóng. Bà con quê tôi đặt tên mài mại theo tên phổ thông, âu yếm gọi chúng là hà rì.
Hà rì nhanh chân vô cùng. Một luồng sóng lướt qua, chúng rất nhanh thụt sâu xuống cát. “Thợ săn” hà rì phải lành nghề lắm, kinh nghiệm lắm mới phát hiện chỗ chúng trú ngụ. Giữa bãi cát phẳng lì, đột nhiên một gò đất nhỏ chừng cái chén trà con nổi lên, ắt hẳn hà rì đang ở đó. Thế là nhanh chân chạy lại, đào thật nhanh tay, phát hiện ngay một chú hà rì béo núc.
Đào hà rì đau tay, vì cát nén chặt. Khôn ngoan hơn, các thợ săn sẽ sử dụng xẻng. Cứ nhè nắm đất nhỏ mà xúc cả tảng cát, lật ngược lên bờ, thể nào cũng bắt được hà rì. Bắt được đã khó, giữ hà rì còn khó gấp mấy lần. Sểnh mắt, những chú hà rì chạm cát là như mất hút giữa không gian. Tám chân nhanh nhạy nhoay nhoáy, chỉ thoáng chớp chúng đã an toàn dưới lớp cát dày.
Hà rì là thức ngon trời cho những ai con xứ biển. Một chút ném, phi thơm với dầu lạc, chút tiêu, đường, nước mắm, hà rì dậy mùi, thơm sốc mũi. Hà rì ngon cái vị mặn mòi của biển, thơm cái hương, ngọt đứ đừ. Trời phú cho hà rì vị béo bùi tự nhiên, không lẫn chút đất cát nào, giòn rụm. Vì thế ăn hà rì là ăn nguyên cả con, cảm nhận tất cả hương vị đất đời nơi ầm ào con sóng.
Ở những vùng quê khác, hà rì bán rất được giá. Người lành nghề đào giỏi chỉ được tầm 2 kg/ngày tùy con nước và vùng biển. Giá bán giao động từ 250-300 nghìn đồng/kg. Vùng Phú Lộc quê tôi lại khác, hà rì là lộc trời ban, nó như con cúm núm, con chép chép, con ốc gạo nơi mép biển. Ai bắt được thì ăn, không bắt được thì cứ để chúng sinh sôi phát triển.
Thuở còn khó khăn, cha con rủ nhau đi biển kiếm chút ít hà rì cải thiện những bữa cơm thiếu đạm. Lớn lên, đời sống khấm khá thì hà rì trở thành hoài niệm, là nỗi nhớ của những ai con xa quê. Thấy chúng tôi đi đào hà rì, nhiều em nhỏ đi theo. Phần để mục kích cách đào, phần hồ hởi của những tâm hồn trẻ thơ vì được “lao động” và kiếm cái ăn một cách chân chính. Có lũ trẻ chúng tôi vui lắm. Hồi nhỏ chúng tôi cũng thế, reo vui ùa theo những tay thợ lành nghề, dù họ cứ suỵt suỵt suốt. Chả là cứ thấy động thì hà rì biến mất tăm, điều này cũng dễ hiểu vì chúng hiếm khi tham gia ở những vùng biển đông dấu chân người.
Chiên giòn rụm, chấm muối tiêu, muối ớt, cứ có chất cay và chút dầu là hà rì đúng gu nấu. Tôi cũng đã lớn lắm rồi. Bao lằn sóng hằn vết trên bãi từ qua cá mùa. Thế mà hà rì vẫn vậy. Chúng vẫn nhẫn nại đào sâu xuống lòng cát để trú ẩn, chỉ thỉnh thoảng ngoi lên kiếm thức ăn. Hà rì tuổi thơ với những ký ức trong vắt, nó vẫn thế, chỉ có tôi là khác, lớn hơn thôi…
Bài, ảnh: MAI HUẾ
Click để copy
https://baothuathienhue.vn/dulich/nho-ha-ri-beo-bui-mui-sa-a75509.html