Chủ tịch tập đoàn nghìn tỷ Vạn Thịnh Phát – bà Trương Mỹ Lan bị bắt vì có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái phép theo quy định pháp luật để chiếm đoạt tài sản của người dân trong thời gian từ năm 2018 – 2019.

Ngày 8/10, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và đưa lệnh bắt các bị can để tạm giam liên quan đến vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt với bà Trương Mỹ Lan (SN 1965, trú tại TP HCM) – chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với 3 bị can liên quan gồm: Trương Huệ Vân (SN 1988, trú TP HCM) – Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng (SN 1984, trú TP HCM) – Trợ lý CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Hồ Bửu Phương (SN 1972, trú TP HCM) – Nguyên chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Tân Việt, nguyên phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Cơ quan CSĐT Bộ công an cũng đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc của bà Trương Mỹ Lan. Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công ở vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP HCM liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo kết quả điều tra ban đầu xác định, các bị can có hành vi gian dối trong việc phát hành trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian 2018 – 2019.
Được biết, dự án số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1 do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư có diện tích đất 1.954 m2. Khu đất này có nguồn gốc là đất của nhà nước. Trước đây là khách sạn Vạn Xuân được kiến trúc sư trưởng TP HCM cấp phép xây dựng cho Liên hiệp dịch vụ – sản xuất – thương mại (thuộc Tổng CT Thương Mại Sài Gòn).
Ngày 24/12/1999, UBND TP HCM theo văn bản số 5424/UB-KT, chỉ đạo chấp thuận cho giải thể việc hợp tác kinh doanh giữa Công ty dịch vụ và thương mại TP HCM và CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Kèm theo cho phép CT Dịch vụ và Thương mại TP HCM chuyển nhượng phần vốn trong khách sạn Vạn Xuân cho CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với mức giá chuyển nhượng theo định giá của Hội đồng định giá tài sản liên doanh là 587.332 USD ngày 2/11/1991.
Đến ngày 1/2/2013, Sở Tài chính có trình số 1202/STC-BVG về việc thẩm định giá theo cơ chế thị trường để Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện nghĩa vụ tài chính khi chuyển hình thức sử dụng đất từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất để xây văn phòng cho thuê với tổng giá trị quyền sử dụng đất là hơn 204 tỷ đồng. Vào ngày 17/4/2013, UBND TPHCM ra Quyết định số 1937/QĐ-UBND, duyệt giá trị quyền sử dụng đất là 204 tỷ đồng. Đến ngày 17/4/2015, Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nộp đủ số tiền trên.
Tuy nhiên, theo thông tin Thanh tra xác định, UBND TPHCM không tính doanh thu bãi đỗ xe theo quy định. Do đó, làm giảm giá trị tiền sử dụng đất phải nộp gần 1,2 tỷ đồng. TPHCM còn áp dụng suất đầu tư không đúng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ hơn 20 ha, làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng khiến quyền sử dụng bị giảm hơn 179,3 triệu đồng.
Tính đến thời điểm thanh tra, dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng làm trụ sở của công ty, văn phòng cho thuê VTP Office Building. Tại dự án, thanh tra Chính phủ đã kiến nghị với Bộ tài chính chủ trì, kiểm tra và rà soát để có biện pháp phù hợp, đúng quy định của pháp luật.
Việc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị thanh tra gọi tên nêu trên không phải là lần đầu tiên. Trước đó, doanh nghiệp này cũng được dư luận quan tâm khi dính vào lùm xùm bảo lãnh cho một ngân hàng được cho là có mối quan hệ tín dụng thân thiết trong khoản chi vay dự án.