Theo thống kê từ báo Guardian cho thấy con số người lao động nhập cư tử vong ở Qatar có thể hơn 6.700 người.

Đêm 2/12/2010 có lẽ là một đêm đáng nhớ của người dân thủ đô Doha của Qatar khi Quốc gia Trung đông này dành được quyền đăng cai World Cup 2022. Điều đó có nghĩa, đội tuyển bóng đá nam của họ được tiến thẳng vào chung kết với tư cách chủ nhà.
Tuy nhiên ít ai ngờ rằng, khoảnh khắc tháng 12/2010 hôm ấy lại mở ra một chuỗi ngày u tối với hàng nghìn vụ tử vong được nhận định là “cái chết tự nhiên” đối với người lao động nhập cư từ khu vực Nam Á.
Hơn 6.700 người nhập cư thiệt mạng
Từ năm 2010 đến 2020, người lao động tại một số quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, Philippines, Kenya đến Qatar nhập cư. Theo báo cáo từ Guardian, trong 10 năm qua, đã có hơn 6.500 người lao động nhập cư thiệt mạng trong khoảng thời gian chuẩn bị cho World Cup.
Được biết, 5.927 trường hợp trong số này đến từ các nước Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và Sri Lanka và 824 công nhân Pakistan.
Kết quả phân tích cho thấy mỗi tuần có khoảng 12 người lao động đến từ 5 quốc gia trên tử vong, tính từ ngày Qatar được trao quyền đăng cai World Cup.
Thậm chí số người chết có thể hơn con số 6.700 bởi dữ liệu chưa tính người nhập cư từ Phillipines và Kenya – hai khu vực có lượng người lao động đến Qatar nhập cư đông đảo. Bên cạnh đó, những công nhân thiệt mạng từ năm 2020 đến nay vẫn chưa được thống kê.

Trong 10 năm qua, tính từ 2010 – 2020, Qatar khởi động chương trình xây dựng với quy mô chưa từng có, đa số tập trung cho World Cup sắp tới. Ngoài 7 sân bay mới, hàng chục dự án lớn, cùng đường xá, khách sạn, hệ thống giao thông công cộng đã và đang được triển khai. Đặc biệt, Qatar còn cho xây dựng một thành phố mới, nơi diễn ra trận chung kết của giải đấu.
Giám đốc Nick McGeehan của nhóm vận động quyền lao động FairSquare Projects cho biết số người chết trong lúc chuẩn bị cho World Cup không được phân loại theo nghề nghiệp hay nơi làm việc.
Ông nói: “Một tỷ lệ rất lớn những người lao động nhập cư đã chết từng chia sẻ họ ở Qatar từ năm 2011 vì nước này giành quyền đăng cai World Cup”.

Theo Guardian thông tin, 37 người trong hơn 6.700 người tử vong được thống kê có liên quan trực tiếp đến quá trình xây dựng sân vận động để chuẩn bị cho World Cup. Tuy nhiên, các chủ thầu xây dựng lại liệt 34 người trong số họ vào danh mục nguyên nhân cái chết “không liên quan đến công việc”. Cách sử dụng từ ngữ này làm dấy lên nhiều câu hỏi trong giới chuyên gia.
Qua đó, báo cáo này cũng chỉ ra sự thất bại của Qatar trong việc bảo vệ hơn 2 triệu người lao động nhập cư, phần lớn là công nhân trẻ thiệt mạng trong quá trình chuẩn bị cho World Cup. Ngoài ra, vấn đề nhân quyền và những quy định khắt khe của Qatar lại trở thành chủ đề tranh cãi khi đất nước này được trao quyền đăng cai World Cup.

Nguyên nhân tử vong được cho là “cái chết tự nhiên”
Đằng sau những con số gây ám ảnh là hàng nghìn gia đình đau khổ khi mất đi trụ cột lao động, họ mù mờ về nguyên nhân tử vong của người thân cũng như chật vật trong quá trình đòi tiền bồi thường.
Những cái chết khó hiểu được diễn ra khá thường xuyên trong quá trình người nhập cư chuẩn bị cho World Cup. Ghal Singh Rai đến từ Nepal đã trả hơn 1.400 USD phí tuyển dụng để đảm nhận vị trí dọn dẹp vệ sinh trong trang trại dành cho công nhân xây dựng sân vận động Thành phố Giáo dục phục vụ cho World Cup. Nhưng chưa đầy một tuần sau, người ta phát hiện Ghal Singh Rai tự sát.
Một trường hợp tương tự, Mohammad Shahid Miah đến từ Bangladesh đã chết trong khu công nhân xây dựng khi nước tiếp xúc với dây cáp điện bị hở.
Ngoài ra ở Ấn Độ, gia đình Madhu Bollapally không hiểu vì sao một người đàn ông 43 tuổi khỏe mạnh lại chết với “nguyên nhân tự nhiên” khi sang Qatar làm việc. Thi thể của ông Bollapally được tìm thấy ở phòng trọ.

Trong số nguyên nhân tử vong của người nhập cư, lí do “cái chết tự nhiên” được giới chức Qatar công bố nhiều nhất. Trong đó, nạn nhân bị kết luận thiệt mạng vì “nguyên nhân tự nhiên” thường có triệu chứng suy tim hoặc suy hô hấp cấp tính.
Theo dữ liệu từ Guardian, 69% trường hợp tử vong của người lao động đến từ Ấn Độ, Nepal và Bangladesh. Riêng với Ấn Độ, con số này là 80%.
Thêm vào đó, điều khiến công chúng cảm thấy khó hiểu là trường hợp tử vong vì “nguyên nhân tự nhiên” không được khám nghiệm tử thi cũng như không có lời giải thích hợp pháp y tế về nguyên nhân cái chết.
Năm 2019, nhóm nghiên cứu phát hiện cái nắng gay gắt vào mùa hè ở Qatar có thể là yếu tố quan trọng dẫn đến cái chết của công nhân.

Trong khi đó, Chính phủ Qatar lại cho rằng số người chết tương xứng với tỉ lệ người lao động nhập cư vào nước này. Trong con số hơn 6.700 người được thống kê, bao gồm cả “công nhân trí thức” được cho là “tử vong tự nhiên” khi sinh sống ở Qatar nhiều năm.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Qatar cho biết: “Tỷ lệ tử vong giữa các cộng đồng này nằm trong phạm vi dự kiến về quy mô và nhân khẩu học của dân số. Tuy nhiên, mỗi sinh mạng mất đi đều là một bi kịch, và Qatar sẽ làm mọi cách để bảo vệ những người lao động làm việc trên đất nước của chúng tôi”.
Ngoài ra, phát ngôn viên của Qatar nói rằng, công dân nước ngoài và trong nước đều được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe hạng nhất miễn phí.
Khi được hỏi về cái chết của những công nhân xây dựng sân vận động chuẩn bị cho World Cup, Ủy ban Tổ chức World Cup tại Qatar cho biết: “Chúng tôi rất tiếc về những thảm kịch này và đã điều tra kỹ từng trường hợp để đảm bảo sự việc tương tự không lặp lại”.
Về vấn đề tử vong của người nhập cư, người phát ngôn của Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) cam kết đảm bảo quyền lợi của người lao động trong các dự án của tổ chức này.
Họ nhận định: “Với các biện pháp an toàn và sức khỏe rất nghiêm ngặt… tần suất tai nạn trên các công trường xây dựng sân vận động phục vụ FIFA World Cup được giữ ở mức thấp so với các công trình xây dựng lớn khác trên thế giới”. Tuy nhiên, câu nói của người phát ngôn FIFA khiến phần lớn công chúng cảm thấy không hài lòng vì lời tuyên bố ấy không đưa ra dẫn chứng cụ thể.
>>>Xem thêm: Qatar: nạn nhân có thể đi tù nếu tố cáo việc mình bị quấy rối tình dục ở World Cup 2022
Uyên Uyên