Trang chủ Kinh doanhĐầu tư Tôi là người khuyến khích đầu tư dài hạn

Tôi là người khuyến khích đầu tư dài hạn

bởi Ngan Le
0 bình luận
Cựu giám đốc IB SSI từ bỏ công việc mơ ước để khởi nghiệp: Tôi là người khuyến khích đầu tư dài hạn - Ảnh 1.

Nếu gặp Nguyễn Thị Hương Giang, người đối diện sẽ bị choáng ngợp bởi nguồn năng lượng vô tận toát ra từ người phụ nữ này. Mái tóc ngắn ngang vai, ánh mắt cười và tốc độ nói rất nhanh, Nguyễn Thị Hương Giang toát ra một vẻ tự tin của một người đã đạt được thành công trong ngành đầu tư từ khi còn rất trẻ: 8 năm kinh nghiệm tại quỹ đầu tư quy mô tỷ USD, 5 năm làm giám đốc tư vấn đầu tư tại một CTCK hàng đầu Việt Nam, hơn 2 năm làm giám đốc đầu tư (CIO) một tập đoàn tư nhân của doanh nhân tỷ phú USD…

Sau tất cả, bà mẹ 2 con quyết định thành lập công ty riêng, với mong muốn sẽ xây dựng một ứng dụng đầu tư thông minh để đào tạo các nhà đầu tư trẻ.

Cựu giám đốc IB SSI từ bỏ công việc mơ ước để khởi nghiệp: Tôi là người khuyến khích đầu tư dài hạn - Ảnh 1.

Cơ duyên gì đưa chị đến với ngành chứng khoán?

Tôi học ban A trường cấp 3 Lê Hồng Phong (TP.Hồ Chí Minh) sau đó học đại học bên Mỹ ngành Business Economics và Accounting tại University of California, Los Angeles. Thực ra khi thi đại học tôi cũng cân nhắc giữa ngành luật và tài chính, cuối cùng theo ngành tài chính vì tôi rất thích số và đi theo ngành này được gần 20 năm.

Chị đã từng từ chối cơ hội đi học MBA ở Mỹ để ở lại Việt Nam làm việc cho VinaCapital, thời điểm đó điều gì đã tác động đến chị để đưa ra quyết định như vậy?

Định hướng của tôi khi sang Mỹ du học là mình sẽ đi học, tốt nghiệp rồi đi làm 3 – 4 năm, sau đó sẽ học MBA ở một trường top đầu rồi ra làm thêm 3-4 năm nữa lấy kinh nghiệm. Đâu đó mất khoảng 10 năm ở bên Mỹ rồi về Việt Nam phát triển sự nghiệp.

Tôi về Việt Nam lúc đó là tháng 3/2006, tôi xin vào VinaCapital thực tập một thời gian rồi dự định sau đó qua Mỹ để học tiếp MBA.

Đó là thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ. Đối với cả thị trường Việt Nam lúc đó, mọi thứ đều mới. Tôi nhớ trong thời gian 3 tháng tại VinaCapital, số nhân sự tăng từ 31 người lên 70, 80 người và đều rất trẻ, rất năng động. Tôi rất thích môi trường học hỏi đó và đã quyết định ở lại Việt Nam để theo ngành mình yêu thích.

Thực ra con đường MBA nếu trễ vài năm cũng không phải là vấn đề. Tôi đã được nhận vào 1 trong những quỹ đầu tư rất có uy tín trên thị trường, nếu như tôi có đi học MBA 2 – 3 năm về và vẫn theo ngành tài chính thì cũng có thể được nhận vào một vị trí cao hơn, còn nếu ở lại thì tôi cũng có thể tích lũy kinh nghiệm qua công việc.

Nhưng sau giai đoạn bùng nổ 2006 – 2007, thì giai đoạn 2008 – 2009 thị trường chứng khoán giảm sâu, có rất nhiều người rời bỏ thị trường ở thời điểm đấy, điều gì đã giữ chị lại?

Tôi may mắn tham gia thị trường vào đúng giai đoạn 2006, nếu tôi tham gia trễ hơn 1-2 năm thì góc nhìn về thị trường có thể sẽ khác.

Giai đoạn 2006 là giai đoạn tăng trưởng rất hiếm thấy trong lịch sử của TTCK Việt Nam và sau đó cũng là đà giảm hiếm thấy trong lịch sử (cười). Năm 2006 mới ra trường, mới về nước tôi cũng không có nhiều tiền. Ở bên Mỹ tôi cũng tiết kiệm được khoảng một hai chục nghìn USD và tôi cũng thử với những khoản đầu tư đầu tiên. Do may mắn và có nghiên cứu thị trường, trao đổi với những người có kinh nghiệm hơn thời điểm đó nên khi đến gần 2008, tôi cũng rút ra được một phần và đến khi thị trường giảm vào cuối năm 2008 thì tôi tham gia lại.

Tôi đã chứng kiến thị trường lúc tăng nóng đến lúc giảm mạnh, nên thấy được vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của thị trường chứng khoán, sẽ có những ngày “rainy day” và những ngày “sunny day” và kiểm soát nó như thế nào là dựa vào kinh nghiệm và hiểu biết của mình.

Cựu giám đốc IB SSI từ bỏ công việc mơ ước để khởi nghiệp: Tôi là người khuyến khích đầu tư dài hạn - Ảnh 2.

Điều tôi rút ra được là thực ra giai đoạn kiếm được tiền nhiều nhất không phải là khi thị trường lên mà nhiều khi phải kiếm tiền từ khủng hoảng, tức là khi thị trường giảm và cổ phiếu ở mức hấp dẫn. 

Tôi chưa bao giờ nghĩ là phải từ bỏ chứng khoán, giai đoạn từ 2008 – 2009 tôi cảm thấy đó là một bài học tuyệt vời và nó cho tôi những cái nhìn nhận về thị trường không phải là toàn màu hồng, cho tôi biết là nếu tôi muốn đi lâu hơn thì phải biết tích lũy kinh nghiệm, phải theo dõi nhịp đập của thị trường và phải hiểu về thị trường hơn.

Cựu giám đốc IB SSI từ bỏ công việc mơ ước để khởi nghiệp: Tôi là người khuyến khích đầu tư dài hạn - Ảnh 3.

Có 8 năm làm việc tại quỹ đầu tư tỷ đô, một môi trường mà rất nhiều người mơ ước, tại sao chị quyết định rẽ ngang sang làm Head of Investment Banking (giám đốc tư vấn đầu tư) ở một công ty chứng khoán?

Thật ra tôi rất may mắn gặp được rất nhiều mentors (người hướng dẫn) trong hành trình làm nghề đầu tư.

Sau khi làm ở VinaCapital 8 năm từ khi mới ra trường tới khi có gia đình, có 2 con tôi cũng đắn đo suy nghĩ. Nhiều khi làm quá lâu trong một môi trường, bạn cũng muốn biết bạn chỉ có thể phát triển trong môi trường như này, hay bạn có thể ra ngoài tiếp xúc với những con người khác, những kỹ năng khác để bạn học hỏi tạo ra giá trị trong cuộc sống hay trong công việc.

Lúc đó tôi khoảng 31, 32 tuổi, tôi có bầu em bé thứ hai. Sau một thời gian đã đi rất nhanh tôi muốn có một bước lùi lại để nhìn lại hành trình của mình và có thể lên kế hoạch cho một hành trình mới.

Đang làm việc ở vai trò buy-side (quỹ đầu tư), chuyển sang bên sell-size (công ty chứng khoán), góc nhìn của chị về thị trường thay đổi như thế nào?

Thật ra con đường của tôi hơi ngược, thường thì những người làm tài chính sẽ đi làm bên sell-side như công ty chứng khoán trước để tích lũy kinh nghiệm rồi sau đó mới chuyển sang bên buy-side là các quỹ. Còn tôi thì mọi người bảo hơi ngược đời.

Nó cũng là cái duyên khi tôi tìm đến anh Hưng (ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch CTCP Chứng khoán SSI) muốn apply cho một vị trí đầu tư, anh Hưng bảo tôi là “anh không có vị trí đầu tư nào cả anh chỉ có Investment Banking (IB)” và hỏi tôi có muốn làm không. Anh Hưng bảo tôi về suy nghĩ thì tôi cũng khá đắn đo vì 8 năm của mình trong ngành Investment giờ lại chuyển sang Investment Banking mà Investment Banking lại khó. Vì trong khoảng thời gian 2009 – 2011 thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn hyperinflation (siêu lạm phát) và cần thời gian để hồi phục lại. Trong khi đó, từ 2011 – 2013, thị trường không có deal IB nào lớn và thị trường IB lúc đó gần như không có gì.

Do lúc đó vẫn còn trẻ nên tôi nghĩ rằng tuy khó nhưng tôi cũng muốn trải nghiệm, muốn học hỏi thì IB là một lựa chọn rất là thú vị vì ngoài tích lũy kiến thức về IB, làm việc với nhà đầu tư, … một kiến thức quan trọng hơn cả mà tôi học được là people skills (giao tiếp với nhà đầu tư). Tôi phải làm việc với các cổ đông và cả những người chủ doanh nghiệp và phải làm sao để hài hoà rất nhiều thành phần như vậy. 

Nếu so sánh IB với đầu tư và bảo khó hơn thì không đúng, nhưng thời gian đầu tôi làm IB thì khá vất vả vì vừa phải học kiến thức, xây dựng team, vừa phải làm việc với các khách hàng và chạy deadline. Có nhiều người bạn lúc đó nói rằng chắc tôi trụ được 6 tháng rồi nghỉ. Tuy nhiên tôi vẫn luôn tự nhủ là phải cố gắng do vậy trong vòng 6 tháng tôi cũng hoàn thành được 1 deal đầu tiên, có được niềm tin của team và nó xác nhận cho tôi là hướng đi tôi chọn là đúng và sau đó cứ tiếp tục. Cũng may mắn trong 5 năm, tôi cũng được anh Hưng hỗ trợ nhiều.

Những giao dịch lớn chị đã từng thực hiện là gì?

Tôi bắt đầu tham gia mảng IB vào năm 2013, giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi, đến 2014 – 2019 là giai đoạn tăng trưởng và tích lũy của thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài trở lại, deal rất đa dạng: có thoái vốn nhà nước, IPO của các doanh nghiệp tư nhân, huy động vốn, M&A, … Tôi may mắn được trực tiếp thực hiện các deal IPO Novaland, HDBank, VRE, VHM, thoái vốn VNM, BMP. Các khách hàng sau khi làm xong cũng quay lại nhờ mình làm tiếp và có những mối quan hệ nó vẫn theo tôi đến tận bây giờ.

Thực ra trong quá trình làm việc với khách hàng, nhiều khi bị khách hàng mắng tôi khóc luôn tại đó, rồi nhiều khi tôi cũng lớn tiếng với khách hàng. Nhưng nếu làm IB, bạn sẽ hiểu rằng deadline rất khủng khiếp, bạn chỉ có 1 ngày để hoàn thành việc đó nếu bạn không làm thì cả giao dịch sẽ thất bại. Do đó trong những lúc áp lực đó mọi người có thể rất dễ xúc động.

Sau 5 năm làm IB, tôi có được những người bạn rất thân, kỹ năng giao tiếp cũng được phát triển rất nhiều, nhìn nhận về customer service (dịch vụ khách hàng) cũng khác, phải nhún nhường hơn rất nhiều.

Cựu giám đốc IB SSI từ bỏ công việc mơ ước để khởi nghiệp: Tôi là người khuyến khích đầu tư dài hạn - Ảnh 4.

Đã từng có trường hợp chị xây dựng mức giá chào bán cho doanh nghiệp nhưng họ muốn mức giá đó cao hơn hoặc thương vụ chào bán thất bại không?

Trong thời gian tôi làm IB thì tỷ lệ thành công cao. Thật ra, người chủ doanh nghiệp sẽ có tầm nhìn về giá, họ hiểu doanh nghiệp của họ, không phải một hai cuộc họp mà mình có thể hiểu hết tiềm năng của doanh nghiệp. Họ sẽ có nhận định về valuation (giá trị doanh nghiệp) của họ.

Người bán và người mua luôn có mong muốn khác nhau về định giá, nhiệm vụ của tôi làm tài chính là phải tìm điểm trung gian cả 2 bên chấp nhận được. Có thể thời điểm đó thị trường rất tốt nên phần lớn những deal làm được đều đạt mức giá hài hoà cả bên bán và bên mua, nhưng nếu như tại thời điểm đó nhà đầu tư thiếu lạc quan hơn thì valuation gap (chênh lệch kỳ vọng về mức giá) sẽ cao hơn và sẽ vất vả hơn để hoàn thành thương vụ. Nên nếu thị trường không phù hợp thì mình nên chọn một thời điểm khác tốt hơn để tư vấn cho các doanh nghiệp.

Trong thời gian làm IB, khoản đầu tư cá nhân của chị như thế nào khi chị ở vai trò là một cá mập nắm giữ rất nhiều thông tin và có rất nhiều lợi thế hơn rất nhiều so với các nhà đầu tư cá nhân?

Những deal tôi làm IB thì tôi không được phép đầu tư và tôi cũng không đầu tư vào công ty tôi làm IB. Còn kỹ năng đầu tư của tôi không đến từ làm IB mà đến từ 8 năm kinh nghiệm làm đầu tư và lúc nào tôi cũng thấy có rất nhiều công ty hấp dẫn và rất nhiều cơ hội.

Những người làm trong ngành đầu tư biết nhiều thông tin trên thị trường thì có lợi thế hơn các nhà đầu tư khác không? Đối với tôi là cả có cả không. Đối với tôi có là vì tôi có kinh nghiệm, tôi đã trải nghiệm qua rất nhiều giai đoạn lên xuống của thị trường nên thị trường lên tôi cũng không quá hưng phấn và thị trường xuống tôi cũng không quá tiêu cực. Nó là lợi thế để tôi có thể bình thản hơn và đưa ra quyết định chính xác hơn.

Dù bạn có thông tin thì bạn cũng không thể nào đi ngược chu kỳ của thị trường. Và theo tôi thấy trong 3 – 5 năm gần đây với sự phát triển của công nghệ và các nền tảng, thông tin đi rất nhanh và chỉ cần ngừng đọc báo 2 ngày là tôi đã đi sau các bạn khác. Nhiều khi sở hữu quá nhiều thông tin bạn sẽ bị rối loạn và chỉ khi bạn có một chiến lược đầu tư rõ ràng bạn mới không bị nhiễu thông tin.

Cựu giám đốc IB SSI từ bỏ công việc mơ ước để khởi nghiệp: Tôi là người khuyến khích đầu tư dài hạn - Ảnh 5.

Sau khi nghỉ làm tại SSI, chị có làm trong 1 công ty tư nhân và thời điểm hiện tại chị đã quyết định start up liên quan đến 1 nền tảng hỗ trợ đầu tư, vậy lý do gì chị chọn con đường startup khi mình đã có vị trí rất cao?

Mọi người hay hỏi tôi sinh năm gì, tôi bảo tôi sinh năm 83, là tuổi quý Hợi, nhưng mà tôi thấy tôi cầm tinh con heo nhưng tính ra số phải là số con trâu đi cày (cười). Tôi học được rất nhiều từ những người tôi làm việc chung, nhưng nhìn đi nhìn lại năm nay tôi cũng 38 tuổi rồi và trong hành trình của tôi, tôi cũng muốn bước tiếp theo mình sẽ làm gì đem lại cho tôi niềm vui nhiều hơn, ý nghĩa hơn. Tôi nghĩ tích cách của tôi nó có một chút năng động và sẽ phù hợp với làm kinh doanh nên tôi muốn thử.

Thật ra tôi vẫn luôn cho rằng cuộc sống là một hành trình và bạn liên tục trải nghiệm từng hành trình đó. Tôi có gần 20 năm kinh nghiệm trong ngành đầu tư từ các khía cạnh khác nhau, tôi muốn chia sẻ một phần kinh nghiệm của mình cho các bạn trẻ và có thể đi cùng các bạn trong hành trình đầu tư. Tôi cho rằng thị trường tài chính Việt Nam vẫn còn rất sơ khởi, trong tương lai, chỉ 3-5 năm nữa sẽ có những bước phát triển mang tính thúc đẩy thị trường tài chính.

Hiện giờ phần lớn dân số Việt Nam vẫn chưa nhìn nhận việc đầu tư và tích lũy là cho tương lai, là chuẩn bị cho việc về hưu sau này. Mọi người vẫn cho rằng việc mình tham gia thị trường mang tính chất kiếm tiền ngăn hạn nhiều hơn.

Văn hóa của người Việt Nam và một vài nước châu Á vẫn là ba mẹ sẽ nuôi con, con đi học đại học rồi sẽ có gia đình, sẽ có con, và nuôi lại ba mẹ lúc về già. Nhưng thực ra xã hội đã khác và việc chúng ta đi làm kiếm tiền để nuôi gia đình, để tiết kiệm rồi mua một căn nhà vất vả hơn hồi xưa vì cuộc sống đắt đỏ hơn rất nhiều. Và việc các con có tiền và nuôi mình khi về già là một dấu hỏi.

Thứ 2 nữa là đối với những đại gia đình, nhiều thế hệ sống cùng nhau thì mình chưa chắc có thể đã ở với các con và mình phải chuẩn bị trước cho tương lai. Hiện tại ở Việt Nam thì chưa có lối suy nghĩ đó, cũng chưa có sản phẩm để thúc đẩy việc này. Lí do khởi nghiệp của tôi là tôi muốn làm cái gì đó ý nghĩa hơn và đưa được kiến thức đầu tư của tôi, chia sẻ kinh nghiệm của tôi đến các bạn trẻ.

Cựu giám đốc IB SSI từ bỏ công việc mơ ước để khởi nghiệp: Tôi là người khuyến khích đầu tư dài hạn - Ảnh 6.

Nền tảng đầu tư của chị sẽ mang lại những gì cho các bạn trẻ chưa có kiến thức đầu tư và muốn đầu tư?

Tôi là người khuyến khích đầu tư dài hạn. Và đầu tư phải như một kỹ năng sống chứ không phải bạn thấy thị trường ồn ào sôi động quá, tăng 20 – 30% thì bạn nhảy vào đầu tư bạn kiếm lời trong ngăn hạn. Nó không dễ dàng như vậy vì bạn chỉ nhìn thấy những ngày sunny day, bạn chưa nhìn thấy những ngày rainy day.

Đầu tư phải là một hành trình và tôi mong muốn có thể đào tạo cho các bạn trẻ thêm kiến thức để có thể chuẩn bị cho hành trình đầu tư. Tôi nghĩ rằng việc đầu tư có thể bắt đầu từ bất cứ lúc nào.

Phong cách đầu tư của tôi rất tĩnh, không cần phải nhìn bảng điện hàng ngày, mà việc đầu tư đến từ tích lũy hàng ngày nhiều hơn. Ví dụ như bạn đi làm và bạn có tiền dư thì bạn có thể tham gia đầu tư và việc đầu tư nó sẽ là dài hạn nhiều hơn.

Đầu tư dài hạn cần trang bị một số kiến thức và tôi mong muốn có thể đưa kiến thức đó dễ dàng và đơn giản nhất để cho các bạn trẻ biết được hành trình đầu tư bắt đầu từ đâu chứ không phải chỉ đơn giản mở tài khoản rồi giao dịch. Còn sản phẩm sẽ tập trung vào trải nghiệm khách hàng, đầu tư thì không dễ dàng nhưng việc thực hiện đầu tư thì nên dễ dàng.

Trong bối cảnh thị trường như bây giờ việc nắm giữ cổ phiếu dài hạn rất áp lực, tháng 5 VN-Index giảm sâu, nhiều bluechips cũng giảm 40-50% thì việc đầu tư lâu dài có đúng trong thời điểm này không hay nhà đầu tư sẽ rời bỏ thị trường để giảm thiểu rủi ro?

Nó bắt đầu từ nhận định về đầu tư của mỗi người. Ví dụ, trong vòng 2 năm Covid số lượng tài khoản mở kỉ lục và rất nhiều bạn trẻ tham gia thị trường rất nhiều. Khi thị trường tăng, rất nhiều cổ phiếu cùng tăng, rất nhiều bạn trẻ bỏ qua những bước đầu tiên đó là họ không chọn cổ phiếu tốt. Tôi hỏi nhiều bạn trẻ thì các bạn ấy trả lời là các bạn ấy không đầu tư những cổ phiếu trong VN30 vì nó lên chậm lắm, họ chỉ đầu tư cổ phiếu penny thôi.

Những nhận định như vậy làm cho tôi rất lo lắng vì nếu các bạn chưa trải nghiệm cũng như không trang bị đủ kiến thức thì những bạn đó khi thị trường xuống sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề và sẽ bỏ thị trường luôn bởi bạn ấy sợ.

Thị trường biến động rất nhiều bởi cung và cầu ngắn hạn nhưng bài toán đặt ra là công ty mà mình đầu tư có thật sự tốt hay không. Giống như vừa nãy tôi đã nói thông tin có quan trọng không thì thông tin không quan trọng nhưng trải nghiệm của mình mới quan trọng. Ví dụ như thay vì tôi bỏ hết tiền tôi mua môt mã cổ phiếu một ngày mà mỗi ngày tôi mua 10 cổ phiếu thì giá của tôi sẽ trung bình trong vòng 1 tháng và tôi sẽ có 1 khoản đầu tư dài.

Thay vì nhìn bảng điện hàng ngày, bạn tắt máy đi và bạn chờ sau một quý xem doanh số lợi nhuận của công ty có đạt kỳ vọng không và bạn sẽ có quyết định nắm giữ hay không. Việc xem bảng điện hàng ngày và ra quyết định mua bán thì quyết định đó nhiều khi chỉ là nỗi sợ hãi của thị trường chứ không có lí do gì cả.

Nếu bạn không phải người đầu tư chuyên nghiệp và đầu tư với mục tiêu tích lũy cho tương lai, tôi nghĩ bạn không nên coi thị trường hằng ngày mà bạn nên chọn một số cổ phiếu tốt, xác định mức giá bạn mong muốn, rồimua xong và để đó. Định kỳ hàng tháng hoăc hàng quý bạn quay lại xemthì sẽ phù hợp hơn. Còn những chiến lược về trading, chiến lược về theo dõi thị trường phải để các bên đâu tư chuyên nghiệp làm.

Tôi không nói chiến lược nào hiệu quả hơn chiến lược nào mà nếu đây không phải chuyên môn của bạn thì bạn phải chọn một chiến lược đầu tư khác đi. Mình vẫn phải đầu tư để tích lũy tài sản. Nếu như không đầu tư mà gửi tiết kiệm ngân hàng thì lãi suất thực sau lạm phát rất thấp, nên vẫn phải kiếm kênh đầu tư giúp tăng giá trị để tích lũy được tài sản.

Nhưng vấn đề của tất cả mọi người ở thời điểm hiện tại là khi mà cơ hội đến mà tôi không có tiền, bởi vì tôi đã giải ngân hết ở vùng đỉnh hoặc tài khoản bị giải chấp hết rồi?

Nếu như bạn không phải nhà đâu tư chứng khoán chuyên nghiệp thì thứ nhất là bạn đừng dùng margin, tại vì khi bạn đầu tư với định hướng tích lũy tài sản thì không lí do gì lại đi vay. Đối với tất cả mọi người, nếu đầu tư không phải công việc của mình thì sử dụng margin là đã có máu ăn thua rồi.

Cái thứ hai nữa là làm sao mình biết được đáy. Ví dụ như thị trường lúc 1.500 điểm bạn thấy giảm 80 điểm bạn thấy đây là đáy rồi và bạn mua, rồi nó lại giảm 65 điểm bạn lại thấy đây là đáy mới. Rồi sau đó thị trường lại đi xuống còn 1.200 điểm vậy liệu đây đã là đáy chưa? Bạn không bao giờ biết đâu là đáy, tôi cũng không biết đâu là đáy, tôi chỉ biết là khi nào cổ phiếu đã về vùng giá hấp dẫn và tôi sẽ giải ngân từ từ từ đó.

Tôi cho rằng bây giờ là thời điểm tốt để đầu tư dài hạn và nếu như bạn không chuyên mà bạn đang có 5, 10 triệu đầu tư, mỗi ngày bạn mua một ít xong bạn để sau 3 tháng xem nó như thế nào. Mình phải xác định mình là nhà đầu tư không chuyên và đi theo chiến lược không chuyên mua và nắm giữ. Nếu bạn muốn thử trải nghiệm thị trường lên xuống mua bán ngăn hạn thì bạn nên đểra 1 số tiền vừa phải và n xác định có thể mất hoàn toàn cũng không ảnh hưởng nhiều.

Cựu giám đốc IB SSI từ bỏ công việc mơ ước để khởi nghiệp: Tôi là người khuyến khích đầu tư dài hạn - Ảnh 7.

Có vẻ mọi thứ trong cuộc đời của chị rất suôn sẻ, đi học ở bên Mỹ về rồi làm cho quỹ đầu tư lớn, làm cho công ty chứng khoán lớn, chị đã từng có cảm giác nào khó khăn nhất trong cuộc đời mình chưa? 

Kinh nghiệm là từ xương máu mà ra, nếu như bạn không mất tiền thì bạn sẽ không cảm nhận được thị trường. Tôi cũng đã từng có những quyết định sai và mất rất nhiều tiền, nhưng việc đó không ngăn cản tôi tham gia thị trường mà nó rút ra cho mình những bài học và không để sai lầm lặp lại.

Ví dụ như tôi đã từng đầu tư 1 công ty liên quan đến giá hàng hóa (commodity price) và khi mà commodity price biến động từ đỉnh xuống đáy thì giá cổ phiếu của công ty đó đã mất từ 70 – 80%. Một sai lầm mà nhiều nhà đầu tư gặp phải là nhiều khi bạn hay dựa vào những gì mà bạn tin tưởng ban đầu, khi giá xuống 30%, các chỉ số không tốt, bạn dựa vào những đánh giá cũ chưa cập nhật, bạn vẫn giữ cổ phiếu và bạn mất thêm tiền. Sau đó bài học rút ra của tôi là tôi ít đầu tư vào những cổ phiếu commodity link.

Nếu như bạn làm việc trong quỹ, bạn sẽ gặp rất nhiều chuyên gia đầu tư, nhưng các khoản đầu tư của quỹ không phải tất cả đều thành công. Trong mười khoản đầu tư thường cũng có hai ba khoản đầu tư không thành công, và phần lớn thời gian là để tìm hiểu tại sao khoản đầu tư đó không thành công. Mình được phép thất bại và từ thất bại đó mình rút ra được bài học để không lặp lại thất bại đó.

Trong gần 20 năm kinh nghiệm của tôi, tôi có rất nhiều bài học xương máu nhưng khi thị trường xuống cũng danh mục vẫn lỗnhư thường. Và tôi cho rằng là nhìn một cách dài hạn thì kinh tế Việt Nam trong vòng 5 – 10 năm nữa vẫn là một nền kinh tế đang tăng trưởng nên bạn chọn một vài cổ phiếu tốt rồi bạn để đó 3 năm, tôi tin bạn vẫn có lời.

Cựu giám đốc IB SSI từ bỏ công việc mơ ước để khởi nghiệp: Tôi là người khuyến khích đầu tư dài hạn - Ảnh 8.

Định nghĩa cổ phiếu tốt cũng sẽ thay đổi theo thời gian đúng không?

Đúng, đối với sự bùng phát của công nghệ, cạnh tranh là rất cao và nếu như mà người quản lý công ty không nắm bắt được sự thay đổi của thị trường thì trong một thời gian ngắn vị thế trên thị trường cũng có thể thay đổi.. Trong giai đoạn từ 2014 đến giờ là một giai đoạn tăng trưởng đều của toàn nên kinh tế, nhưng trong vòng 5 – 10 năm tới sẽ phân hóa nhiều, doanh nghiệp tốt sẽ tiến xa hơn còn doanh nghiệp không tốt sẽ bị đào thải.

Cái nhìn của chị về thị trường trong 3 năm tới? Đối với làn sóng F0 mới tham gia vào 2020 – 2021, chị có nghĩ rằng họ sẽ rút ra vì đã quá sợ hãi hay không?

Tôi phải xem diễn biến thị trường trong 3 – 6 tháng tới, vì thị trường từ 1.200 lên 1.500 rất là nhanh và thị trường cũng rất nhanh từ 1.500 về bây giờ. Có thể một số người đã mất những gì đã kiếm được và lỗ vào vốn 1 chút, một số bạn vào sau sẽ chịu nhiều nhất nhưng phần lớn là tham gia từ sớm hơn thì bây giờ chỉ mất lời, chưa quá sợ hãi.

Bây giờ mới có 5% dân số tham gia chứng khoán, liệu sau này số lượng người tham gia tiếp cận chứng khoán có tốt hơn hay không hay mọi người sẽ nhìn lại 3 tháng qua và bảo chứng khoán giống như cờ bạc?

Trong ngắn hạn thị trường có thể có điều chỉnh nhưng mà về lâu dài tôi tin thị trường Việt Nam sẽ rất phát triển. Tại vì các kênh đầu tư đang rất giới hạn, chúng ta có tiết kiệm, bất động sản, vàng, chứng khoán. Tuy nhiên gửi tiết kiệm về mặt lý thuyết thì lãi suất thực sẽ càng ngày càng giảm, bất động sản thì càng ngày càng đắt để giới trẻ tham gia mua bất động sản rất là khó, vàng từ lâu đã không còn là một kênh đầu tư. Với một số tiền nhỏ và có tính linh hoạt thì bắt buộc phải đầu tư vào thị trường tài chính nên chắc chắn thị trường sẽ phải tăng trưởng.

Ở nước ngoài có nhiều người tham gia vào quỹ hưu trí. Ở Việt nam hiện nay vẫn là đi làm và nhà nước trả lương hưu nhưng nhiều khi chi phí đắt đỏ, lương từ BHXH có khi không đủ để chi trả khi về hưu, vậy phần chi tiêu đó đến từ đâu, bắt buộc phải từ đầu tư tích lũy mà ra. . Ở một số nước khác có quỹ hưu trí tự nguyện và quỹ này rất lớn. tại 1 số công ty quỹ hưu trí của nhân viên còn lớn hơn cả tài sản của công ty. Nếu Việt Nam có quỹ hưu trí tự nguyện, thì thị trường tài chính còn bùng nổ hơn nữa.

Nhưng chưa nói đếnquỹ hưu trí tư nguyện, thì về mặt bản chất thị trường trong dài hạn sẽ có thêm các sản phẩm tài chính, thậm chí cả bất động sản cũng phải chuyển qua sản phẩm tài chính chứ không thể nào mua một căn hộ hay một miếng đất để đầu tư bởi số tiền quá lớn. Ở các nước khác mỗi người mua một căn nhà phải tích cóp cả đời, còn nếu muốn đầu tư vào bất động sản thì có thể đầu tư vào các sản phẩm REITs, những sản phẩm tài chính về bất động sản để đạt được kỳ vọng của bạn.

Cựu giám đốc IB SSI từ bỏ công việc mơ ước để khởi nghiệp: Tôi là người khuyến khích đầu tư dài hạn - Ảnh 9.

Chị cân bằng cuộc sống như thế nào khi công việc luôn luôn áp lực?

Tôi cho rằng công việc nào cũng áp lực, công việc của tôi cũng có áp lực nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến từ bỏ. Còn về gia đình, tôi là một người đầu tư, tôi quan niệm gia đình và con cái là những khoản đầu tư lớn nhất của tôi. Cho dù bạn có đi làm, bạn kiếm bao nhiêu tiền đi chăng nữa thì con cái không Ngoan, không vui cũng chẳng để làm gì. Cũng may mắn chồng tôi cũng làm trong ngành tài chính nên cũng hiểu và cũng hỗ trợ tôi, con cái thì tôi cũng muốn dành thời gian cho tụi nó nhiều hơn, đến bây giờ thì nói chung là mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát.

Tôi nghĩ rằng cái quan trọng đối với người phụ nữ là sự ưu tiên, tức là bạn ưu tiên cái gì quan trọng hơn tại từng thời điểm. Và tôi không cho rằng gia đình và công việc là đối lập nhau, nghĩa là không phải bạn tập trung vào công việc thì bạn bỏ qua gia đình và nhiều khi bạn bận công việc thì có thêm sự trợ giúp từ ông bà nội, ông bà ngoại. Đấy là lí do vì sao ở Việt Nam có nhiều phụ nữ đi làm. Ở nước ngoài phụ nữ tham gia vào những vị trí cao ít hơn vì Việt Nam có thêm sự giúp đỡ của người nhà. Hiện giờ tôi vẫn luôn luôn phải cân bằng giữa gia đình và công việc.

Chị có muốn hướng các con tham gia đầu tư từ rất sớm không?

Có và rất mong muốn. Ví dụ như bạn làm đầu bếp và bạn nấu ăn giỏi thì bạn sẽ muốn truyền cho con các món ăn tủ của bạn mặc dù con bạn không đi theo nghề đầu bếp.

Như con tôi thì tôi nghĩ thế hệ của bọn nó là thế hệ “vượt sướng”, và đến đời của nó thì con của nó không nuôi nó đâu nên tôi nghĩ những khái niệm về đầu tư tích lũy, về tiêu tiền một cách hợp lýlà rất cần thiết và có thể bắt đầu từ rất sớm không cần phải đợi lúc đi làm. Tôi mong muốn là tôi và con có thể cùng đầu tư với nhau và tôi nghĩ việc mình chuẩn bị cho con mình biết quản lý tài chính, đầu tư tích lũy và chuẩn bị cho tương lai của nó cũng là mình đang chuẩn bị cho mình an nhàn khi về già.

Chúng ta có thể làm giàu ở bất cứ độ tuổi nào nhưng lý tưởng nhất, hoàn hảo nhất chính là những năm tháng tuổi trẻ. Đã có sẵn “chất liều” bên trong, khả năng học hỏi nhanh nhạy và tâm thế sẵn sàng đứng lên dẫu vấp ngã, vậy thì còn chờ gì mà không Làm giàu tuổi 20.

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn lên trang cá nhân ở chế độ công khai kèm hashtag #LamGiauTuoi20 #CafeF #Kenh14 hoặc gửi bài dự thi về BTC qua:

Website: Làm giàu tuổi 20

Email [email protected]

Fanpage Kenh14.vn và CafeF .

Chủ đề “Làm giàu tuổi 20” sẽ diễn ra từ 6/5/2022 đến 19/5/2022 với nhiều giải thưởng hấp dẫn:

Giải nhất: 20.000.000 VND

Giải Yêu thích do độc giả chọn: 2.000.000 VND

Giải yêu thích do BGK lựa chọn: 3.000.000 VND

Các bài dự thi chất lượng sẽ được đăng tải trên 2 trang tin CafeF và Kenh14.vn

Cuộc thi Làm giàu tuổi 20 được đầu tư thực hiện, phối hợp tổ chức bởi Kenh14.vn, CafeF cùng đơn vị đồng hành Ngân hàng số Cake by VPBank và sự góp mặt đặc biệt bởi các khách mời là Chuyên gia tài chính uy tín, những người có tầm ảnh hưởng và đam mê về lĩnh vực tài chính. Mọi thông tin chi tiết xemtại đây

.

Cựu giám đốc IB SSI từ bỏ công việc mơ ước để khởi nghiệp: Tôi là người khuyến khích đầu tư dài hạn - Ảnh 11.

Nguồn: https://cafef.vn/cuu-giam-doc-ib-ssi-tu-bo-cong-viec-mo-uoc-de-khoi-nghiep-toi-la-nguoi-khuyen-khich-dau-tu-dai-han-20220601114718178.chn

You may also like

Về BAOVIETNAM.COM

Báo Việt NamCầu nối tin tức và công nghệ. Với mục tiêu tạo ra nền tảng thông tin đáng tin cậy, chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn trong hành trình khám phá thế giới, từ tin tức hàng ngày đến những xu hướng công nghệ tương lai.

báo việt nam logo footer

@2023 – Quản lý bởi Báo Việt Nam – VPS/Server tài trợ bởi GOFIBER.VN