Hướng nội và nhạy cảm không xấu, thậm chí người mang tính cách này lại sở hữu những thế mạnh riêng mà hướng ngoại không có.
Để sửa đổi tính cách cần rất nhiều nỗ lực và thời gian, song kết quả mang lại chưa chắc đã được mỹ mãn như chúng ta muốn. Bên cạnh đó, người hướng nội và nhạy cảm, thay vì luôn suy nghĩ làm thế nào để thay đổi, chi bằng hãy chấp nhận tính cách này. Cố gắng giảm thiểu tiêu cực và phát huy thế mạnh của chúng, bạn sẽ không cảm thấy buồn hay tủi thân vì mình là một người hướng nội mang tâm hồn nhạy cảm nữa.
Trước khi tìm hiểu về phương pháp cải thiện ảnh hưởng tiêu cực của tính cách, chúng ta cần điểm qua những hiểu lầm về hướng nội và nhạy cảm.
3 hiểu lầm về hướng nội và nhạy cảm
Tôi rất hướng nội nhưng tôi nghĩ người hướng ngoại mới tốt
Đầu tiên, những bạn mang tính cách hướng nội phải thực sự hiểu bản thân mình. Hướng nội không phải tính cách xấu. Hướng ngoại hay hướng nội là 2 loại tính chất nhân cách khác nhau và sở hữu những thế mạnh riêng. Chúng ta có thể đánh giá một người hướng nội là “vô vị” “nhàm chán” trong giao tiếp nhưng thực chất họ không bắt buộc phải giỏi giao tiếp, kết bạn hay sử dụng ngôn từ để thuyết phục mọi người.
Người hướng nội không thích các mối quan hệ xã giao hoặc các câu chuyện không mang lại giá trị và chiều sâu. Sự khác biệt giữa người nội và hướng ngoại là hướng tập trung năng lượng tâm lý. Nếu hướng ngoại thích đặt năng lượng và sự chú ý đến thế giới bên ngoài thì người hướng nội lại thích thú với thế giới nội tâm.
Có thể bạn không biết, người hướng nội có rất nhiều thế mạnh. Điển hình như: khả năng đồng cảm, có thể xây dựng mối liên kết sâu đậm với người khác, thấu hiểu bản thân hơn, năng lực sáng tạo mạnh mẽ, có thể làm việc và tận hưởng cuộc sống một mình.
Người hướng nội đều nhạy cảm; trong khi người hướng ngoại thì tùy tiện phóng khoáng
Chúng ta thường nghĩ hướng nội và nhạy cảm có trong một người nhưng bản chất hai loại tình cách này không cần có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Theo Elaine Aron – nhà tâm lý học người Mỹ thông tin, trong cuộc khảo sát, có 15-20% nhóm người thuộc tuýp nhạy cảm cao. Điều đặc biệt là trong số đó có đến 30% là người hướng ngoại.
Vì thế, không phải lúc nào người hướng ngoại cũng tùy tiện, phóng khoáng. Khi sở hữu tính cách nhạy cảm họ vẫn có thể quan sát từng chi tiết trong cuộc sống một cách nhạy bén.
Tôi rất nhạy cảm nên tinh thần có thể không bình thường
Những người quá nhạy cảm thường mang tâm lý tự ti. Nếu bạn đã từng bị ai nói “Bạn nhạy cảm lắm”, điều đó có nghĩa là bạn suy nghĩ quá nhiều và dễ tổn thương, xúc động khi bị thế giới bên ngoài đánh giá.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa nhạy cảm là xấu. Ngược lại nhạy cảm là một loại thiên phú. Nó giúp chúng ta nhạy bén trong quan sát, cảm nhận và thấu hiểu thế giới bên ngoài một cách sâu sắc hơn.
Cách cải thiện ảnh hưởng tiêu cực của hướng nội và nhạy cảm
Sau khi những hiểu lầm đã được tháo gỡ, chúng ta cùng tìm hiểu cách sửa đổi ảnh hưởng tiêu cực của hướng nội và nhạy cảm.
Cho bản thân khoảng thời gian để “sạc điện”
Đối với người hướng nội, nếu phải tiếp xúc với thế giới bên ngoài trong thời gian dài, họ dễ lâm vào trạng thái “social hangover” (trạng thái cảm xúc tạm thời khiến bản thân bị ngột ngạt và kiệt sức). Vì thế, những người hướng nội luôn cần kế hoạch chuyên biệt, giao tiếp với các mối quan hệ xã giao vừa phải, tránh để bản thân vượt quá giới hạn.
Về người nhạy cảm, đại não của họ làm việc liên tục với thông tin bên ngoài, cảm nhận và hấp thu cảm xúc của người khác nên mệt mỏi là điều không thể tránh. Để cải thiện tình trạng này, chúng ta nên dành thời gian nghỉ ngơi, quan tâm đến bản thân và chắt lọc thông tin để không bị ảnh hưởng.
Dù là người hướng nội hay nhạy cảm, chúng ta cũng nên cho bản thân khoảng thời gian “sạc điện”. Đó có thể là ngồi thiền hay tập yoga để nhìn nhận lại bản thân và buông bỏ căng thẳng, áp lực.
Quan tâm đến cảm nhận của chính mình
Người nhạy cảm thường quá để tâm đến lời nói, suy nghĩ và đánh giá của người khác về mình. Họ không dám “từ chối” hoặc đáp trả vì sợ để lại ấn tượng không tốt với đối phương. Vì thế mà người nhạy cảm có xu hướng muốn làm hài lòng mọi người.
Tuy nhiên, bạn phải hiểu rằng, chúng ta không có trách nhiệm phải quan tâm đến cảm nhận của người khác. Hãy tập trung thấu hiểu và chăm sóc bản thân. Khi đối xử tốt với chính mình, bạn sẽ biết cách đối xử với người khác. Đó cũng là một kỹ năng chúng ta cần trau dồi, rèn luyện.
>>>Xem thêm: Làm hài lòng tất cả mọi người, bạn có mệt không?
Dám bộc lộ sự bất mãn
Người hướng nội và nhạy cảm có khả năng chịu đựng cao, vì vậy dù thiệt thòi, mệt mỏi họ cũng không dám bày tỏ. Với những người ít nhạy cảm, họ sẽ khó quan sát và cảm nhận được những cảm giác bạn phải chịu đựng. Thế nên, thay vì im lặng chịu đựng, hãy thẳng thắn bày tỏ điều khiến bạn thấy không thoải mái với người khác.
Với tính cách hướng nội và nhạy cảm, bạn có thể tự làm bản thân vui dù là hoạt động đơn lẻ, một mình. Điều quan trọng nhất là bạn phải tôn trọng và yêu lấy chính mình.
Kết luận
Tóm lại, tính cách hướng nội hay nhạy cảm đều không xấu. Bất kể điều gì cũng có hai mặt ưu và khuyết. Thay vì mong muốn trở thành người hướng ngoại, bạn chỉ cần tập trung cải thiện ảnh hưởng tiêu cực và phát huy thế mạnh của tính cách mình sở hữu. Đừng cố gắng biến thành người khác. Chỉ có sống thật với bản thân bạn mới thực sự hạnh phúc.
>>>Có thể bạn quan tâm: Tự ti là gì? Gạt bỏ ngay tâm lý tự ti nếu không muốn thất bại!
Uyên Uyên