Theo một cuộc khảo sát, Gen Z là thế hệ hay lo lắng về tiền bạc. Tuy nhiên, họ chỉ dừng lại ở việc lo nghĩ và chưa biết cách giải quyết vấn đề của mình.
Thế hệ Gen Z cho rằng, kinh tế đang là rào cản trong cuộc sống của họ. Họ không đủ điều kiện để mua những gì họ muốn, họ thấy áp lực về việc kiếm tiền thua kém bạn bè cùng tranh lứa và đặc biệt là họ không được hạnh phúc nếu không có tiền.
Gen Z ơi, nếu các bạn ngày đêm buồn bã lo lắng vì tiền bạc vậy tại sao không đứng lên thay đổi, tìm cách giải quyết dứt điểm nỗi lo bạn nhỉ? Cuộc đời vốn ngắn ngủi và thời gian là vàng bạc nên hãy nhanh chóng nhận ra vấn đề rồi giải quyết ngay thôi nào.
Lo lắng không đủ khả năng mua những gì mình muốn
Các bạn thường có xu hướng mua những món đồ không thật sự cần thiết cho hiện tại dẫn đến tài chính bị thiếu hụt. Đến khi cần chi tiêu cho một việc gì đó khẩn cấp, Gen Z chúng ta lại thấy rất bất an.
Ngoài ra, chúng ta thường có xu hướng muốn trang trí một background “sang xịn mịn” trên mạng xã hội. Các bạn không ngừng sắm sửa để trang bị vẻ ngoài cho mình thật sang trọng xinh đẹp, post những tấm ảnh “triệu like” lên mạng xã hội với mong muốn nhận được sự khen ngợi và ngưỡng mộ của các bạn trong list friend. Hầu hết Gen Z luôn làm điều mình thích nhưng lại ít quan tâm đến túi tiền của mình.
Thiếu hụt tài chính thôi chưa đủ. Có một số bạn trẻ, vì muốn được khen ngợi nên đôi khi vay nợ và hàng ngày phải sống trong cảnh nợ nần. Để giải quyết hai vấn đề trên, các bạn nên sống thật với bản thân. Không vì những lời khen ảo mà tự mang gánh nặng cho mình. Nếu tiêu chuẩn sống của bạn cao thì hãy tìm cách nâng mức thu nhập của mình lên để đáp ứng được cuộc sống của bạn.
Gen Z Áp lực vì không bằng bạn bè
Sau khi ra trường, các bạn Gen Z thường có thói quen so sánh bản thân với bạn bè trang lứa. Thấy họ làm ở công ty lớn, có nhiều đãi ngộ với mức lương cao. Thế là chúng ta lại tự ti và thu mình lại, không liên lạc với những người bạn đó.
Điều đó vô tình trở thành rào cản, khiến chúng ta không còn muốn kiếm tiền nhiều hơn. Chúng ta sẽ tự trách bản thân, đổ lỗi hoàn cảnh với những lí do tự suy diễn để đảm bảo rằng mình không bằng họ.
Đừng để những suy nghĩ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của bản thân. Cuộc sống là của mỗi người và bạn phải có trách nhiệm với nó. Bạn nên lấy những người tài giỏi làm tấm gương để phát triển thay vì suốt ngày tự ti không bằng “con nhà người ta”.
Nên nhớ điều này, bạn chỉ có thể hơn người khác khi bạn nhận ra được điểm yếu và hoàn thiện chính mình. Chỉ nên so sánh nếu muốn lấy người đó làm động lực vươn lên.
Gen Z cảm thấy không có hạnh phúc vì thiếu tiền
Đây hầu như là nỗi lo chung của các thế hệ, không riêng gì Gen Z. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu đúng về hạnh phúc thì tiền bạc không hoàn toàn ngăn cản hạnh phúc của bạn.
Tôi có hỏi một số bạn trẻ: “Bạn có thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình không?”, 99% các bạn đều trả lời “không”. Đa số các bạn nói rằng vì không kiếm đủ tiền lo được cho người yêu, gia đình, vì không mua được những thứ mình thích, không được làm những thứ mình yêu,…
Các bạn có biết rằng hạnh phúc thật sự rất giản đơn. Nó chỉ đơn giản là vào mỗi tối bạn dành ít thời gian hỏi thăm người thân, tâm sự với mẹ, uống trà với bố. Cuối tuần tự thưởng cho mình một ngày nghỉ ngơi, phân bổ thời gian đi chơi cùng người yêu, quan tâm cảm xúc của họ. Bạn vẫn sẽ cảm nhận được hạnh phúc mà không cần đặt nặng vấn đề tài chính.
Chỉ cần bạn không ngừng nỗ lực thì việc ổn định kinh tế là chuyện sớm muộn. Nếu bạn có những yêu cầu cao, bạn phải có năng lực để đáp ứng được yêu cầu đó. Rồi bạn sẽ hạnh phúc thôi!
Gen Z lo lắng vì luôn thấy bất an về tài chính
Khi bạn kiếm được 5 triệu, bạn bảo rằng đây là mức lương thấp nên không đủ chi tiêu là đương nhiên.
Khi bạn kiếm được 10 triệu, bạn nói rằng xã hội hiện tại vật giá leo thang, xăng dầu lên liên tục, 10 triệu chỉ dùng được nửa tháng.
Khi bạn kiếm được 20 triệu, bạn vẫn thấy bất an về tài chính. Bạn cho rằng mức thu nhập này chỉ đủ dùng trong sinh hoạt hàng ngày chứ không đủ dư để tiết kiệm.
Nếu bạn có những suy nghĩ trên thì dù bạn kiếm được bao nhiêu, bạn vẫn thấy bất an. Nguyên nhân là vì các bạn Gen Z không biết cách quản lí tài chính dẫn đến chi tiêu luôn bị “hụt trước thiếu sau”. Bạn kiếm được bao nhiêu bạn xài hết bấy nhiêu, bạn kiếm được 20 triệu bạn lại có nhu cầu sống cao hơn. Như vậy bạn sẽ không bao giờ tiết kiệm được tiền. Đây là điều rất nguy hiểm.
Có những chuyện bất cập xảy ra không thể lường trước vì thế chúng ta phải có kế hoạch chi tiêu cụ thể và trích một khoản thu nhập để tiết kiệm. Số tiền này sẽ cứu chúng ta khỏi những biến cố trong cuộc sống.
Cho rằng hệ thống được thiết lập khiến bạn thất bại về tài chính
Các bạn Gen Z thường cho rằng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống vì kinh tế xã hội tăng mỗi năm. Cứ kiếm được một mức lương ổn định trong năm nay thì năm sau vật giá lại tăng lên khiến thu nhập không còn ổn như trước. Thế rồi các bạn nghĩ rằng hệ thống xã hội đang cố ý khiến bạn gặp khó khăn.
Cuộc sống vốn như thế, mọi thứ sẽ phát triển theo thời gian đồng nghĩa với việc bạn không được ngừng nỗ lực trong công việc. Bạn không thể “dậm chân tại chỗ” và mỗi năm chỉ kiếm được thu nhập như vậy.
Điều các bạn Gen Z cần làm là cố gắng mỗi ngày, đặt mục tiêu thăng tiến trong sự nghiệp để không bị thế giới bỏ lại phía sau. Xã hội phát triển theo thời gian buộc chúng ta phải cố gắng để theo kịp xã hội.
Uyên Uyên