Trong môi trường công sở, những vấn đề xoay quanh văn hóa doanh nghiệp, sếp cực đoan hay đồng nghiệp độc hại đều là những lý do khiến nhân viên nghỉ việc.

Nhân viên nghỉ việc vì thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp
Khi đi làm, ai cũng muốn có một môi trường làm việc mà họ được phát triển bản thân, tích lũy thêm kinh nghiệm và có cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, nếu như nhân viên không cảm nhận được những điều trên thì tinh thần và động lực của họ sẽ bị ảnh hưởng. Đến một lúc nào đó, người lao động không còn thấy bản thân có thể phát triển từ vị trí mình đang đảm nhận thì cũng là lúc họ nghỉ việc và tìm cơ hội ở doanh nghiệp khác.

Nhân viên nghỉ việc vì không được công nhận
Khi giải quyết được những chuyện khó khăn hay thành công trong một dự án, nhân viên nào cũng muốn được khen và công nhận những đóng góp của họ. Vì vậy, lãnh đạo công ty cần thấu hiểu điều này và có hệ thống khen thưởng rõ ràng để họ cảm thấy bản thân được tôn trọng. Từ đó, nhân viên sẽ không ngừng nỗ lực để giúp doanh nghiệp tăng doanh số.

Theo Metro thông tin, Rachel từng nói rằng: “Phần thưởng không phải lúc nào cũng là giá trị tài chính. Một lời cảm ơn đơn giản hoặc thông báo công khai thành tích của nhân viên có thể mang lại cho họ cảm giác được công nhận”.
Để vận hành hiệu quả, doanh nghiệp cần có chính sách khen thưởng và tích cực triển khai điều này thường xuyên. Đây là cách giúp giữ chân nhân viên giỏi đồng thời là bệ phóng để doanh nghiệp ngày một lớn mạnh hơn.
Nhân viên nghỉ việc nếu không được hưởng phúc lợi hợp lí
Để làm việc hiệu quả, bất kì ai cũng cần có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, đây là yếu tố mà hầu hết doanh nghiệp thường bỏ qua từ đó không có chế độ chăm sóc sức khỏe cho nhân viên.
Thời gian gần đây, theo khảo sát của Bupa UK (Anh) – Tập đoàn chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế quốc tế, người lao động dần tìm hiểu về quy chế chăm sóc sức khỏe và hạnh phúc nơi công sở ngày một nhiều. Họ bắt đầu quan tâm đến các giá trị tinh thần cũng như chế độ đãi ngộ từ phía công ty.

Vì vậy, ngoài công việc, lãnh đạo cần cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân viên chẳng hạn như bảo hiểm y tế, thời gian nghỉ trưa hợp lí, tổ chức các chương trình hỗ trợ nhân viên, v.v. Hãy để họ cảm thấy bản thân được quan tâm và chăm sóc, từ đó người lao động sẽ biết mình nên làm gì để xứng đáng với những điều nhận được từ doanh nghiệp.
Trước khi muốn nhân viên cống hiến hết mình thì lãnh đạonên biết cách “cho đi”. Bởi vì nhân viên là yếu tố chủ chốt quyết định thành công hay thất bại của một doanh nghiệp.
Nhân viên nghỉ việc vì sếp cực đoan
Nếu luôn làm theo quyền hành và giữ cách giao tiếp 1 chiều, nhân viên sẽ cảm thấy những đóng góp của mình không được lắng nghe cũng như họ không học hỏi được gì trong quá trình làm việc.

Hiện nay, hầu hết công ty lớn đều cho nhân viên thoải mái đóng góp xây dựng ý kiến và một số lãnh đạo còn tiếp nhận ý kiến của nhân viên để cải thiện và phát triển công ty.
Nhân viên nghỉ việc vì văn hóa công sở độc hại
Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc điều hành doanh nghiệp. 1 văn hóa công sở tiêu cực chẳng hạn như giao tiếp nội bộ không rõ ràng, đồng nghiệp thường xuyên “buôn dưa lê” nói xấu người khác, ý kiến nhân viên không được lắng nghe,… sẽ khiến người lao động dần không còn thấy hứng thú khi đến công ty. Từ đó, họ sẽ bắt đầu nộp CV tìm việc làm ở chỗ mới.