Trang chủ Giáo dục & Đời sốngKỹ năng sống Người thông minh luôn ghi nhớ 3 không quản, 4 không nói, 5 không giúp

Người thông minh luôn ghi nhớ 3 không quản, 4 không nói, 5 không giúp

bởi Uyên Uyên
0 bình luận

Người thông minh luôn ghi nhớ 3 không quản, 4 không nói, 5 không giúp. Những người thành công đa phần họ sẽ rất nhạy bén trong cách ứng xử. Bài học đầu tiên trên hành trình trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân đó là người có cái đầu lạnh. Họ sẽ biết chọn lọc thông tin khi nói và giúp đỡ đúng người, đúng việc.

Người thông minh đừng quên quy tắc 345: 3 không quản, 4 không nói, 5 không giúp.
Người thông minh đừng quên quy tắc 345: 3 không quản, 4 không nói, 5 không giúp. (Ảnh: internet)

Người thông minh luôn ghi nhớ 3 không quản

Không quản chuyện bao đồng

Có bao giờ bạn bị người khác nói là “M hay lo chuyện bao đồng quá!” chưa?

Không phải bất cứ chuyện nào mình góp ý cũng là tốt, có những việc mình không đủ năng lực để giải quyết chuyện của người khác thì tốt nhất không xen vô.

Ví dụ như bạn thân của bạn quen một chàng trai nhưng bạn lại thấy không vừa ý. Thông thường bạn sẽ nói những điểm bạn cho rằng không ổn và dùng quan điểm riêng của mình để bảo người bạn thân chia tay. Thật ra đó không phải là cách hành xử khôn khéo mà còn dễ đánh mất tình bạn.

Chúng ta thường có xu hướng muốn tốt cho bạn mình nhưng lựa chọn quen ai là quyết định của họ. Họ thấy hợp và mến nhau thì tiến tới. Bạn có thân đến mấy cũng là người ngoài và nếu thấy có điều không ổn, chúng ta chỉ nên khuyên bạn mình yêu nhưng không “lụy” mà thôi. Có vậy bạn thân của bạn mới có những trải nghiệm cần thiết trong cuộc sống. Một là yêu “đúng người”, hai là được đời dạy để lần sau yêu nhưng không “ngã”.

Đối với gia đình, bạn cũng nên tôn trọng quyết định của họ. Người thân sẽ lắng nghe góp ý của bạn, tuy nhiên bạn chỉ dừng lại ở việc góp ý và đưa ra những luận điểm hợp lí, không xen hẳn vào chuyện của họ. Dù cùng máu mủ nhưng mỗi người là một cá thể khác nhau, bạn chỉ có thể đồng hành cùng người bạn yêu thương chứ không nên “làm dùm” họ.

Dành thời gian làm tốt việc của mình
Dành thời gian làm tốt việc của mình. (Ảnh: pin.it)

Muốn trở thành người thông minh và lời nói của mình có giá trị, bạn hãy dành thời gian đọc sách để có mở mang kiến thức thay vì đưa ra quan điểm “vô tội vạ” mà không có khả năng chứng minh.

Muốn tốt cho người khác thì mình phải tốt trước tiên. Khi bạn đủ tư duy kiến thức, tự khắc bạn sẽ biết việc nào nên quản, việc nào không.

Không quản chuyện tình cảm người ta

Chúng ta thường muốn người thân, bạn bè của mình được hạnh phúc. Vì vậy các bạn dễ có xu hướng trở thành “ông mai bà mối” nhưng đây là việc làm sai lầm. Mỗi người đều có cái duyên khác nhau, sẽ “hút nhau” nếu như cùng tần số. Thay vì lo chuyện bao đồng, mải mê kiếm người yêu cho bạn bè người thân, người thông minh sẽ biết khuyên họ tập trung chăm sóc bản thân và trau dồi kiến thức, tình duyên sẽ tự khắc đến.

Bản thân giỏi giang, sống tử tế thì không sợ “ế”
Bản thân giỏi giang, sống tử tế thì không sợ “ế”. (Ảnh: San Ivan)

Không quản việc nhà người khác

Nội bộ gia đình rất phức tạp, không quản việc nhà người khác để tránh “rước họa vào thân”. Vợ chồng gây gổ, cha con từ mặt, anh em bất hòa là những mâu thuẫn nằm ngoài khả năng của một người ngoài. Những chuyện này chỉ có người trong cuộc hiểu rõ nhất. Nếu bạn không thể giúp họ hàn gắn thì tốt nhất nên im lặng, đừng lo nửa vời, vô tình “việc tốt” trở thành “thêm dầu vào lửa”.

Không phải chuyện gì mình cũng nên tham gia
Không phải chuyện gì mình cũng nên tham gia. (Ảnh: AstroPigy)

Người thông minh luôn ghi nhớ 4 không nói

Không nói điều xấu

Người thông minh sẽ biết điều gì nên nói, điều gì không. Thẳng tính là tốt nhưng “thẳng quá” sẽ khiến bản thân vô duyên và làm người đối diện cảm thấy khó chịu. Dù bạn có ý tốt nhưng không biết cách diễn đạt từ ngữ sẽ dễ khiến dụng ý của bạn bị hiểu lầm, câu chuyện trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn cần trau dồi tư duy nhạy bén, biết tính cách đối phương để quá trình trao đổi thông tin được hiệu quả. Giao tiếp cũng là một nghệ thuật.

Không nên nói những lời khiến người khác tổn thương
Không nên nói những lời khiến người khác tổn thương. (Ảnh: Vũ Lam)

Nếu bạn không thích một người thì bạn hãy tránh xa, không nên nói xấu. Đừng kể cho người khác nghe về những người bạn không thích. Là người thông minh, chúng ta chỉ nên nói những điều tốt đẹp để tránh “cái miệng hại cái thân”. Tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình, không chỉ trích hay xát muối vào điểm yếu của họ. Những người thích nói xấu sau lưng người khác vị trí của họ mãi là kẻ đứng sau.

Dù bạn có ngoại hình, bạn có học vấn cao nhưng bạn không có kỹ năng sống, bạn vẫn bị đánh giá là một người thấp kém. Muốn thành công, ngoài kĩ năng chuyên môn bạn còn phải trau dồi kỹ năng sống cho mình.

Không nói lời ngông cuồng

Người thông minh không bao giờ kiêu ngạo, họ luôn khiêm tốn để học hỏi. Không ai muốn nói chuyện với người luôn cho mình là biết tất. Dù bạn có tài giỏi cỡ nào, bạn vẫn là một hạt cát trên sa mạc mênh mông, rộng lớn. Chỉ có người khiêm tốn mới nhận thấy được được yếu điểm của bản thân, qua đó tiếp tục học hỏi để trở nên thành công hơn. Con người hơn nhau ở mức độ am hiểu cuộc sống và góc nhìn tích cực về mọi việc.

Người tài giỏi thường không khoe khoan
Người tài giỏi thường không khoe khoan. (Ảnh: bestie.vn)

Không nói lời oán than, ca thán

Mọi việc đều có nguyên nhân của nó. Gặp chuyện phải nhìn lại mình trước. Đừng đổ lỗi hoàn cảnh nếu bản thân chưa đủ nỗ lực. Con đường đến thành công chưa bao giờ dễ dàng, đối mặt với mọi việc một cách cởi mở và tích cực rồi sẽ có lúc hái được quả ngọt. Người thông minh là người tìm cách giải quyết vấn đề thay vì ngồi than vãn, kể lễ. Bạn chỉ có thể thay thế giới nếu như bạn thay đổi chính mình.

Thời gian đổ lỗi hãy dùng để thay đổi hiện tại
Thời gian đổ lỗi hãy dùng để thay đổi hiện tại. (Ảnh: winds.vn)

Không nói lời vô nghĩa

Người thông minh không bao giờ nói nhiều. Muốn giải quyết một vấn đề khiến người khác nể phục, bạn phải nói đúng trọng tâm, có đủ kiến thức để chứng minh bạn đúng. Nói dài dòng lan man sẽ làm người đối diện không hiểu mục đích bạn muốn nói và họ cũng không muốn nghe những người nói dài dòng.

Đừng để những lời mình nói ra trở nên vô nghĩa
Đừng để những lời mình nói ra trở nên vô nghĩa. (Ảnh: deviantart.com)

Trong mối quan hệ vợ chồng, nếu có chuyện cần tranh luận, cả hai nên nói chuyện đúng trọng tâm để tìm ra nguyên nhân và giải quyết vấn đề. Người thông minh sẽ không lấy chuyện cũ ra đay nghiến, trách móc đối phương.

>>>Xem thêm: CEO Thái Hà Books chia sẻ bí quyết sống hạnh phúc

Người thông minh luôn ghi nhớ 5 không giúp

Không giúp việc quá sức của mình

Trong cuộc sống, chúng ta thường có xu hướng “cả nể”. Ai nhờ gì cũng đồng ý giúp nhưng lại nằm ngoài khả năng của bản thân. Đừng tỏ ra gì cũng biết hoặc sợ mất lòng mà “nhận lơi” vì đây còn là thể diện của bạn. Khi bạn giúp mà không hiệu quả, bạn sẽ khiến mối quan hệ hai bên trở nên xấu đi, thậm chí còn bị đánh giá là một kẻ chỉ biết khoe khoang.

Sống thật với bản thân, việc nào không biết thì nên từ chối
Người thông minh sẽ biết sống thật với bản thân, việc nào không biết sẽ nói từ chối. (Ảnh: Chang Chang)

Không giúp việc vượt quá ranh giới

Cái gì cũng có ranh giới rõ ràng. Người thông minh sẽ biết mối quan hệ giữa hai bạn nằm ở mức nào để có cách giải quyết hợp lý. Chỉ là bạn bè xã giao nhưng nếu bạn đi khuyên nhủ họ, họ sẽ nói bạn nhiều chuyện, lo việc bao đồng và lòng tốt không đúng chỗ.

Không phải với ai cũng giúp đỡ nhiệt tình
Không phải với ai cũng giúp đỡ nhiệt tình. (Ảnh: weheartit.com)

Không giúp người không biết cảm ơn

Lòng tốt phải đi kèm với tư duy. Trước khi muốn giúp đỡ ai bạn phải biết tính cách, phẩm chất của người đó. Nếu thường xuyên giúp người không bao giờ nói hai tiếng “cảm ơn”, lòng tốt của bạn sẽ bị xem là hiển nhiên và không được trân trọng. Người thông minh nên sáng suốt phân biệt phải trái để lòng tốt đặt đúng chỗ, tránh bị lợi dụng.

Không giúp người không biết điều
Không giúp người không biết điều. (Ảnh: Cả Ngày)

Không giúp người vừa nghèo vừa không cầu tiến

Bạn chỉ nên giúp người biết phấn đấu chứ không nên giúp người nghèo mà lười nhác. Khi bạn giúp người lười là bạn đang tiếp tay cho tư tưởng phụ thuộc của họ. Họ sẽ cho rằng khó khăn luôn có người giúp đỡ, dẫn đến “ngựa quen đường cũ” và không biết thay đổi làm lại cuộc đời.

Là người thông minh, chỉ nên giúp đúng người thật sự cần
Là người thông minh, chỉ nên giúp đúng người thật sự cần. (Ảnh: wattpad.com)

Không giúp việc trái luân thường đạo đức

Dù là người thân thiết đến mức nào cũng nên giúp những việc đúng đắn. Không được bất chấp giúp họ làm điều trái đạo đức và pháp luật. Bởi vì giúp đỡ như thế không những khiến họ lún sâu vào việc sai trái mà bản thân còn bị liên lụy. Người thông minh sẽ biết ngăn cản và khuyên răn họ để không gặp hậu quả đáng tiếc. Khi muốn giúp đỡ ai, trước tiên bạn phải là người có đạo đức.

Thân thiết cỡ nào cũng không “tiếp tay cho giặc”
Thân thiết cỡ nào cũng không “tiếp tay cho giặc”. (Ảnh: twitter.com)

Tóm lại, muốn trở thành người thông minh, chúng ta cần có một cái đầu sáng suốt, một đôi mắt biết nhìn nhận sự việc và một phẩm chất tốt. Có vậy chúng ta mới biết cách đối nhân xử thế, không để cảm xúc nhất thời lấn át lí trí. Từ đó, mỗi người chúng ta sẽ khôn ngoan hơn khi bước ra ngoài xã hội.

You may also like

Về BAOVIETNAM.COM

Báo Việt NamCầu nối tin tức và công nghệ. Với mục tiêu tạo ra nền tảng thông tin đáng tin cậy, chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn trong hành trình khám phá thế giới, từ tin tức hàng ngày đến những xu hướng công nghệ tương lai.

báo việt nam logo footer

@2023 – Quản lý bởi Báo Việt Nam – VPS/Server tài trợ bởi GOFIBER.VN