Cảm xúc thường thuộc về bản năng mỗi người. Nếu chúng ta không biết cách kiểm soát cảm xúc và luôn hành động bộc phát theo tâm trạng cá nhân thì cuộc sống chúng ta sẽ rất khó khăn, nhất là trong công việc.

Kiểm soát cảm xúc là gì?
Kiểm soát cảm xúc là cách chúng ta đưa cảm xúc về trạng thái cân bằng thông qua ngôn ngữ, hình thể,… Trong cuộc sống, chúng ta luôn đối mặt với nhiều tình huống, từ cảm xúc yêu thương cho đến giận dữ, buồn bã… Nếu không biết cách kiểm soát chúng và vô tư hành động theo bản năng, chúng ta sẽ dễ đưa ra các quyết định nóng vội, làm tổn thương người khác và để lại nhiều hậu quả về sau. Vì thế, việc biết quản trị cảm xúc sẽ giúp ta duy trì được những mối quan hệ tốt đẹp trong công việc lẫn cuộc sống.

Vì sao kiểm soát cảm xúc lại quan trọng?
Không ai muốn xây dựng mối quan hệ với người thường xuyên buồn bã, tiêu cực và có thói quen than vãn khi gặp bất kỳ vấn đề gì trong cuộc sống. Theo khảo sát, nguyên nhân lớn nhất khiến chúng ta khó kiểm soát cảm xúc là sự nóng giận. Người Nhật có câu: “Đừng hành động khi đang giận dữ” bởi vì khi ấy chúng ta thường hành động theo bản năng và đưa ra nhiều quyết định sai lầm.
Nếu biết cách quản trị cảm xúc sẽ giúp chúng ta hạn chế được những tiêu cực, không làm tổn thương những người mình yêu quý và có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngoài ra, kiểm soát cảm xúc còn giúp chúng ta có một sức khỏe tốt, cải thiện hiệu suất công việc và giúp các mối quan hệ xung quanh ta trở nên phong phú.
Chúng ta là người chịu trách nhiệm cho cảm xúc của chính mình. Không ai có thể kiểm soát cảm xúc một cách toàn diện nhưng ta có thể lựa chọn phản ứng cảm xúc phù hợp tùy vào hoàn cảnh và làm cho bầu không khí giảm bớt căng thẳng, tiêu cực.

6 cách kiểm soát cảm xúc trong mọi hoàn cảnh
Học được cách kiểm soát cảm xúc sẽ giúp chúng ta giảm tải áp lực và những khó khăn, muộn phiền trong công việc, cuộc sống. Khi ta nhìn đời bằng con mắt tích cực, tự khắc những điều xảy đến với chúng ta cũng trở nên tốt đẹp hơn. Dưới đây là 6 cách kiểm soát cảm xúc cho mọi hoàn cảnh:
Hạn chế tối đa những căng thẳng
Trong cuộc sống, cho dù bạn gặp bất kỳ thử thách nào, việc quản lý, kiểm soát và giảm bớt căng thẳng là chìa khóa giúp chúng ta đưa ra những quyết định đúng đắn và dễ dàng vượt qua khó khăn.
Ngoài việc đối mặt với các tác nhân gây căng thẳng, những kỹ thuật giúp giảm căng thẳng sẽ giúp đưa hệ thần kinh của chúng ta trở về trạng thái cân bằng. Từ đó, ta sẽ kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật giúp giảm tải căng thẳng hiệu quả mà các bạn có thể tham khảo và rèn luyện. Điển hình như tập thể dục, yoga, thiền định…

Đừng phản ứng ngay lập tức
Cách kiểm soát cảm xúc cần thiết là đừng bao giờ phản ứng ngay lập tức khi gặp các vấn đề tiêu cực. Nếu đang bất ổn mà chúng ta phản ứng ngay thì rất có thể những câu nói, việc làm của chúng ta khi ấy có thể khiến bản thân hối hận về sau.
Trước khi phản hồi bất kỳ thông tin gì trong trạng thái tiêu cực, các bạn hãy học cách hít thở sâu, thả lỏng cơ thể để nhịp tim trở về bình thường. Khi đã bình tĩnh, những suy nghĩ và quyết định của bạn cũng trở nên khách quan và chân thực hơn.
Thay thế suy nghĩ của bạn
Cảm xúc tiêu cực thường ràng buộc chúng ta nghĩ liên tục về những điều thiếu tích cực, tạo ra các mô hình tiêu cực hoàn toàn và khiến ta dễ hành động bốc đồng.
Hãy nhớ rằng bất kỳ lúc nào cảm xúc khiến bạn nghĩ đến những điều tồi tệ, bạn cố gắng gạt nó ra khỏi tâm trí và thay thế bằng suy nghĩ khác. Bạn có thể nghĩ đến những điều tốt đẹp như kỉ niệm vui, người khiến bạn cảm thấy hạnh phúc, bình yên. Đây là cách đánh lừa não bộ, giúp chuyển hướng cảm xúc từ tiêu cực sang tích cực vô cùng hiệu quả.
>>>Xem thêm: Những điều cần biết về người nhạy cảm
Tránh dùng từ ngữ mang mục đích phán xét
Để kiểm soát cảm xúc và trở thành người có kỹ năng giao tiếp, trong những lúc bản thân tiêu cực đừng bao giờ dùng những từ ngữ phán xét, chê bai hay trách cứ người khác.
Mỗi người đều mang hai dòng cảm xúc tích cực và tiêu cực. Đừng vì những lúc tiêu cực, mang tính chủ quan mà làm tổn thương người khác. Điều đó không khiến bạn vui vẻ trở lại mà còn dễ khiến bạn thêm bức xúc, ức chế nếu đối phương là người có EQ cao, quản trị cảm xúc tốt.

Tự xoa dịu bản thân
Không ai có thể giúp bạn cân bằng cảm xúc ngoài chính bản thân bạn. Khi gặp nhiều vấn đề mâu thuẫn khiến bản thân ức chế, dễ nổi nóng, bạn hãy tìm cách giải thoát cho cảm xúc tiêu cực của mình bằng việc tự xoa dịu bản thân.
Bạn có thể sử dụng một số kỹ thuật xoa dịu như đặt tay lên ngực để theo dõi và điều chỉnh nhịp tim, hít thở thật sâu, nghe những bài nhạc chữa lành hoặc đọc một mẩu truyện cười. Hãy tìm những tác nhân tích cực để giúp cảm xúc bản thân nhanh chóng quay về trạng thái cân bằng. Tuy đây là những kỹ thuật đơn giản nhưng nó giúp chúng ta kiểm soát cảm xúc vô cùng hiệu quả.
Tự tin để quản trị cảm xúc
Theo nghiên cứu và trên thực tế, những người thiếu tự tin thường dễ bi quan và rơi vào những cảm xúc tiêu cực. Họ không thể chủ động kiểm soát cảm xúc cũng như khó chấp nhận những lời chỉ trích, nhận xét từ người khác.
Ngược lại, những người tự tin trong mọi tình huống đều giữ được trạng thái lạc quan. Họ tin vào bản thân và luôn tiếp nhận những lời nói từ người khác theo chiều hướng tích cực. Họ không dễ bị ảnh hưởng bởi những tiêu cực từ mọi người xung quanh. Những người như thế thường dễ gặt hái được thành công trong cuộc sống.

Kết luận
Kiểm soát cảm xúc là một loại kỹ năng mềm mà tất cả chúng ta ai cũng cần phải học. Việc học hỏi và rèn luyện cách cân bằng cảm xúc không hề đơn giản, chúng cần thời gian để hình thành thói quen. Khi đã kiểm soát được cảm xúc, bạn sẽ thấy cuộc sống hạnh phúc và tươi đẹp hơn rất nhiều.
>>>Có thể bạn quan tâm: 4 bài học giao tiếp giúp tỷ phú Warren Buffett thành công
Uyên Uyên