Vì sao chúng ta lại có xu hướng cảm nắng người khác khi đã có người yêu? Bài viết dưới đây sẽ giải thích lý do và cách xử lý khi trong tình huống này nhé!
Theo như chúng ta được biết, việc có người yêu nhưng lại cảm nắng người khác thường bị cho là bất bình thường và người mang cảm xúc đó bị xem là tội đồ.
Tuy nhiên, nhà tâm lý học Ryan Howes cho biết, việc cảm nắng người khác khi đã có người yêu hoặc bạn đời là điều hoàn toàn bình thường. Nó xảy ra phổ biển và gần như vô hại, không nhất thiết phải coi nó là nguy cơ khiến mối quan hệ tan vỡ.
Giải mã tâm lý cảm nắng người khác khi đã có người yêu
Liên quan đến cách não bộ xử lý thông tin
Việc bị cuốn hút bởi người khác là điều khó tránh khỏi và ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Theo tác giả sách “Khoa học về các mối quan hệ”, khi chúng ta nhìn vào một người, não sẽ nhanh chóng xử lý thông tin và đánh giá sự quyến rũ của người đối diện.
Quá trình này sẽ không dừng lại dù bạn đang trong một mối quan hệ, bởi điều này thuộc về phản xạ tự nhiên của con người.
Các đặc điểm tiến hóa gen
Các nhà khoa học tiến hóa cho biết, con người thường đi tìm gen tốt để duy trì nòi giống. Não bộ chúng ta phát triển để thu hút và bị thu hút bởi những giống nòi tốt.
Nhà trị liệu và tác giả cuốn “Sự thật về tình yêu” – Patricia Love nói rằng, với lí do trên nên mỗi người chúng ta thường có xu hướng cảm nắng người khác khi đã có người yêu. Nếu ta gặp đủ mọi đối tượng, ta sẽ tìm được những cặp DNA phù hợp hơn.
Nhu cầu không được đáp ứng trong mối quan hệ
Xu hướng cảm nắng còn diễn ra khi người thứ ba đáp ứng được những điều chúng ta thiếu trong mối quan hệ yêu đương. Đó có thể đến từ sự chú ý, tình dục, khoảng cách địa lý, xúc tác vật lý và ngoại hình.
Ví dụ, trong mối quan hệ yêu đương, đến một giai đoạn nào đó, người yêu không còn chú ý và quan tâm đến ta nhiều như trước. Lúc ấy ta lại nhớ đến khoảng thời gian bản thân được quan tâm, chiều chuộng và khen ngợi ngoại hình. Cảm xúc với người thứ ba sẽ xảy ra khi ai đó không phải người yêu nhưng liên tục khen ngợi, quan tâm đặc biệt và tinh tế với chúng ta.
Giai đoạn “trăng mật” qua đi
Khi mối quan hệ đi vào ổn định, các cảm xúc dành cho đối phương cũng sẽ không còn mạnh mẽ như trước. Bởi khi đó, những loại hoocmon gây hưng phấn như oxytocin và dopamine dần mất đi tác dụng.
Lúc này, sự xuất hiện của người thứ ba khiến chúng ta cảm thấy bản thân quyến rũ và sinh động trở lại. Qua đó, các hoocmon kể trên cũng dần xuất hiện và tăng một lần nữa.
Khi nào cảm nắng người khác biến thành hành động sai lầm?
Tuy đưa ra 4 nguyên nhân khiến chúng ta cảm nắng người khác khi đã có người yêu nhưng đây không phải là lý do bao biện để chúng ta thực hiện những hành động sai lầm. Bản thân mỗi người hiểu rõ cảm xúc của chính mình. Vì vậy, chúng ta có thể đánh giá mối quan hệ và đưa ra phương án phù hợp.
Cảm nắng xảy ra khi ngoại hình, tính cách của người thứ ba tương ứng với mong muốn, kỳ vọng của chúng ta. Đây sẽ là điều bình thường và vô hại cho đến khi chúng ta biến tưởng tượng thành hiện thực. Nếu chúng ta có những cử chỉ thân mật về cơ thể hoặc thường xuyên nghĩ về điều đó, vô hình trung sự cảm nắng của ta sẽ khiến mối quan hệ với người yêu hoặc bạn đời có nguy cơ tan vỡ.
Thêm vào đó, khi ta dành nhiều thời gian để mơ tưởng về một người, nó sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta đối xử với người yêu/bạn đời của mình, khiến tình cảm cả hai trở nên lạnh nhạt.
Cách xử lý khi có cảm xúc với người thứ ba
Để thoát khỏi trạng thái cảm nắng người khác khi đã có người yêu, các bạn có thể tham khảo 3 cách sau:
Đặt câu hỏi cho chính mình
Khi gặp tình huống này, bạn nên hỏi bản thân: “Liệu tình cảm này có phải là tình yêu và vượt hơn mức tình cảm mình dành cho người yêu hiện tại hay không?”
Để có thể đánh giá đúng nhất, nhà tâm lý học Ryan Howes chia sẻ một cách, đó là bạn tự hỏi mình: “Khi có tin tốt hoặc tin xấu, người bạn muốn báo đầu tiên là ai?”
Nếu tình cảm với người thứ ba khiến chúng ta không còn muốn chia sẻ với người yêu/bạn đời hiện tại về mặt thể xác, cảm xúc, thông tin… thì mối quan hệ của bạn đang gặp nguy hiểm.
Nếu làm theo cách trên mà vẫn gặp khó khăn trong việc xác định tình cảm, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia tư vấn hoặc người bạn đáng tin tưởng. Góc nhìn thứ ba sẽ phần nào nhìn ra vấn đề, từ đó giúp bạn giải quyết tình cảnh rối ren này.
Nên cân nhắc trước khi nói sự thật
Có nhiều lí do khiến chúng ta thường muốn thú nhận tình trạng cảm nắng cho người yêu/bạn đời hiện tại của mình. Họ nghĩ rằng việc nói ra có thể khiến họ kết thúc mối quan hệ ngoài lề hoặc giảm bớt cảm giác tội lỗi.
Không có lời khuyên cho câu chuyện nên nói sự thật hay không. Việc bạn nên thú nhận với nửa kia cảm xúc của mình còn tùy thuộc vào kiểu gắn bó của mỗi cá nhân.
Ví dụ, những người có kiểu gắn bó an toàn, họ sẽ dễ dàng tiếp nhận sự việc một cách cởi mở bởi họ có khả năng xử lý cảm xúc. Vì thế khi chúng ta chia sẻ, có thể vấn đề được giải quyết tốt hơn. Ngược lại, nếu nửa kia có kiểu gắn bó lo âu, việc thú nhận sẽ mang lại nhiều hệ lụy nguy hiểm bởi kiểu người này thường phân tích thông tin theo hướng tiêu cực.
Nhà tâm lý học Ryan Howes khuyên chúng ta rằng, hãy hỏi bản thân xem mục đích thú nhận là muốn tốt cho mình hay nửa kia. Nếu muốn tốt cho mình thì các bạn nên giữ kín chuyện đó. Nếu muốn tốt cho nửa kia, dù biết đối phương sẽ khó chấp nhận, chúng ta vẫn muốn nói. Bởi lẽ, khi biết nghĩ cho người yêu/bạn đời, chúng ta sẽ có xu hướng thà nhận sự khó chịu về mình còn hơn che giấu, làm đối phương tổn thương.
>>>Xem thêm: 6 điều cần biết về ngoại tình trong tư tưởng
Tránh để cảm xúc nhất thời điều khiển
Một số người khuyên rằng, trong tình huống cảm nắng người khác khi đã có người yêu, đừng vội quy chụp cảm xúc ấy là yêu vì có thể đó chỉ là cảm xúc nhất thời. Bên cạnh đó, một khi tình cảm không rõ ràng, đừng nên để nó điều khiển hành vi của bản thân.
Đừng nuôi dưỡng cảm xúc
Lúc này, bạn đừng cố tình nghĩ đến hay có những cử chỉ thân mật với người thứ ba. Một khi cảm xúc ấy không có điều kiện lớn lên, nó sẽ tự biến mất trong một khoảng thời gian.
Cẩn thận với những mơ mộng, ảo tưởng
Khi cảm nắng, bạn nên để ý đến tần suất xuất hiện những dòng suy nghĩ “nếu như…” trong đầu. Khi bạn nghĩ đến câu chuyện “nếu như…” với người thứ ba, đó là dấu hiệu bạn đang nuôi ảo tưởng dù trên thực tế nó chưa tồn tại.
Giữ khoảng cách
Chủ động tạo khoảng cách với người thứ ba là điều nên làm lúc này. Bạn đừng để cả hai có không gian riêng hoặc kỷ niệm lãng mạn. Khi chưa phải tình yêu, đừng để cảm xúc nhất thời có cơ hội phát triển.
Hãy để nó qua đi tự nhiên
Bạn có thể tránh để cảm xúc nhất thời điều khiển bằng cách đừng cố gắng xử lý cảm xúc hay lo lắng về nó. Khi bạn không còn nghĩ đến và xem nó như một vấn đề cần giải quyết, não bộ sẽ tự bỏ qua chuyện đó.
Nhìn lại mối quan hệ của cả hai
Khi cảm nắng người khác nghĩa là mối quan hệ của hai bạn có vấn đề. Hãy ý thức nhìn lại mối quan hệ và tìm ra nguyên nhân. Chúng ta chỉ có thể say nắng người chủ động bù đắp những nhu cầu mà chúng ta cần trong một mối quan hệ.
Vì vậy hãy mạnh dạn chia sẻ, tâm sự những điều mình muốn người yêu/bạn đời đáp ứng và cùng nhau tìm cách giúp mối quan hệ được cải thiện và phát triển. Lúc này cảm giác say nắng người khác sẽ biến mất ngay lập tức.
10 cách “hâm nóng” tình cảm lứa đôi
- Trân trọng ngày kỷ niệm của cả hai
- Tăng tần suất gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp
- Làm những điều bất ngờ cho đối phương
- Sắp xếp đi du lịch cùng nhau
- Giữ thói quen nói “cảm ơn” với người yêu/bạn đời
- Đừng quên dùng những cử chỉ âu yếm
- Đừng hà tiện lời khen với đối phương
- Quan tâm và chú ý đến những điều nhỏ bé
- Luôn chăm chút đến ngoại hình
- Nói ba từ với người bạn yêu thương mỗi ngày
Kết luận
Tóm lại, việc cảm nắng người khác khi đã có người yêu không hẳn là điều đáng lo lắng. Đây có thể là dịp để chúng ta nhìn ra những vấn đề trong mối quan hệ cũng như hiểu hơn về bản thân.
Một khi hiểu được cảm xúc của bản thân và khéo léo xử lý, chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua tình huống hiện tại. Qua đó, mối quan hệ của cả hai trở nên bền vững, hạnh phúc hơn.
>>>Có thể bạn quan tâm: Ngày càng nhiều người thích ngoại tình, vì sao?
Uyên Uyên