Chăm sóc con cái là một công việc không hề dễ dàng đối với bậc cha mẹ. Đôi khi có những việc cha mẹ tưởng là tốt cho con mình nhưng lại vô tình ảnh hưởng đến sức khỏe con trẻ.
Hiện nay, có nhiều cha mẹ thắc mắc vì sao khi chuyển mùa thì con mình dù đã chăm sóc kỹ nhưng vẫn dễ bị cảm, sốt, còn con người ta thì ăn khỏe ngủ ngon. Thật ra, nhiều mẹ đã lầm tưởng việc chăm sóc và tăng đề kháng cho con. Các chuyên gia Y tế đầu ngành khuyên rằng, muốn trẻ không ốm vặt và khỏe mạnh thì phải tránh những hành vi gây tổn hại đến sức đề kháng trong cuộc sống hằng ngày. Dưới đây là 4 điều làm cho trẻ giảm sức đề kháng.
Dinh dưỡng cho trẻ sau khi cai sữa không đáp ứng đủ
Để hình thành hoàn hảo hệ thống miễn dịch bên trong trẻ thì dinh dưỡng là điều cần thiết nhất. Nếu thiếu dinh dưỡng sẽ khiến quá trình hình thành hệ miễn dịch không đạt đến mức ổn định, từ đó hệ thống dễ bị phá vỡ và làm cho trẻ dễ mắc các bệnh vặt.
Đa phần các trẻ sau khi cai sữa đều bị suy giảm miễn dịch, do sữa mẹ chứa nhiều chất lactoferrin là dưỡng chất giúp hình thành và nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, trẻ còn thiếu dinh dưỡng toàn diện, do trẻ ăn dặm và uống sữa ngoài không đủ dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu của trẻ. Giai đoạn này trẻ cũng hay kén ăn nên sức đề kháng của trẻ rất dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các chuyên gia khuyên rằng, sữa và các sản phẩm từ sữa đều là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho trẻ. Vậy nên, cha mẹ phải cung cấp đủ sữa cho trẻ dù trong giai đoạn ăn dặm nào đi nữa.
Giấc ngủ không được chất lượng
Giấc ngủ là một trong những yếu tố quan trọng giúp hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường. Nếu trẻ ngủ muộn trong thời gian dài, giấc ngủ ngắn hoặc không chất lượng thì dễ dẫn đến tình trạng suy giảm sức đề kháng.
Theo các chuyên gia, thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập trung, học tập và nhiều ảnh hưởng khác đến sức khỏe. Dữ liệu nghiên cứu của những chuyên gia chỉ ra rằng, 48% trẻ ngủ đủ giấc có khả năng tò mò, tiếp nhận thông tin và học tập kỹ năng mới cao hơn 44%. Các trẻ này còn có khả năng hoàn thành bài tập về nhà nhiều hơn 33% và có sự quan tâm đến việc học trong trường cao hơn 28%.
Tóm lại, cha mẹ phải tập cho bé thói quen ngủ đúng giờ và phải tạo môi trường ngủ thoải mái. Ngoài ra, cha mẹ phải chú ý đến ánh sáng và nhiệt độ phòng ngủ để trẻ có một giấc ngủ sâu và chất lượng nhất.
Trẻ không được vận động nhiều
Nhiều cha mẹ hiện nay thường hay ngăn cản con cái vận động, bởi cha mẹ sợ trẻ vấy bẩn và sợ trẻ ra mồ hôi nhiều dễ bị bệnh. Nhưng điều đó vô tình khiến trẻ giảm đi sức đề kháng tự nhiên của mình. Trẻ ít vận động còn gây ra tình trạng thừa cân, do tiêu hao ít nhưng hấp thụ nhiều. Bên cạnh đó, vận động ít có thể tăng 2 lần tình trạng mất ngủ và rối loạn giấc ngủ.
Trẻ lười vận động còn ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi ở trẻ. Từ đó, trẻ có nguy cơ cao thừa cân, béo phì và các mắc các bệnh tim mạch. Các động tác trườn, bò là bài tập rất tốt cho sự phát triển của trẻ sơ sinh, còn với những trẻ lớn hơn thì có thể đưa trẻ đi dạo để hít thở không khí trong lành.
Giữ cho trẻ quá sạch sẽ
Có nhiều cha mẹ thường không cho con mình tiếp xúc với những đồ vật, thậm chí không cho bò ra khỏi giường. Đó là điều không tốt cho trẻ, bởi trẻ được giữ sạch quá mức sẽ làm giảm khả năng tiếp xúc với vi sinh vật. Từ đó, trẻ không tự sinh ra những kháng thể tương ứng để chống lại vi sinh vật ấy và dẫn đến mắc bệnh hơn.
Bên cạnh đó, việc không được tiếp xúc với đồ vật sẽ khiến trẻ giảm khả năng khám phá và nhận thức sự vật bên trong trẻ, từ đó trẻ có thể phát triển chậm hơn những trẻ khác. Các chuyên gia khuyên rằng, giữ môi trường sống sạch là điều tốt nhưng không được quá sạch. Nên cho trẻ tiếp xúc với những vật mới như cây, đất, lá… và nên cho trẻ bò dưới sàn nhà. Nếu như sợ bé vấy bẩn thì có thể dùng chiếu tập bò cho trẻ, bởi bò dưới sàn sẽ có cảm giác thích hơn so với trên giường.
Kết luận của các chuyên gia, trẻ nên được cha mẹ quan tâm và chăm sóc đúng cách. Trẻ nên được cha mẹ cho đi ngủ sớm, cung cấp đủ chất dinh dưỡng, vận động điều độ và tránh dùng thuốc tùy tiện để từng bước tăng cường sức đề kháng ở trẻ.